GV được trao quyền phạt HS
Theo hướng dẫn mà Bộ GD Trung Quốc đưa ra, GV các trường tiểu học và THCS có quyền đưa ra các hình phạt, đồng thời nêu rõ quyền của GV trong việc thi hành kỷ luật.
Đối với những lỗi nhỏ, GV có thể gọi HS ra, yêu cầu các em làm bài tập thể dục vừa phải hoặc giữ các em ở lại trường để dạy thêm.
GV có thể đình chỉ HS nếu các em vi phạm lỗi nghiêm trọng hay nhiều lần, ví dụ bắt nạt HS khác hay lạm dụng GV, trong vòng chưa đầy 1 tuần.
Những HS phạm lỗi nghiêm trọng cũng có thể được đưa sang một trung tâm GD hay chuyển trường khác.
Tuy nhiên, theo dự thảo trên, GV bị cấm sử dụng các hình phạt về thể xác, yêu cầu HS đứng quá lâu, sử dụng từ ngữ quá đáng hay phạt tập thể HS vì lỗi do một em gây ra.
Công chúng sẽ có một tháng để gửi những đề nghị về chỉ dẫn trên bằng cách vào trang web chinalaw.gov.cn hoặc gửi thư điện tử tới Bộ GD.
Ý kiến của phụ huynh và GV
Xie Wenfeng, mẹ của một HS lớp 5 ở Thượng Hải, cho biết bà đồng ý với việc trao cho GV quyền phạt HS miễn là họ không lạm dụng quyền lực và không phạt HS theo ý họ.
“Ở thời tôi đi học GV thường nghiêm khắc với HS hơn” – bà nói – “Mỗi lớp học đều có một chiếc thước gỗ để GV chỉ lên bảng, nhưng chức năng khác của nó là để phạt những HS không vâng lời”.
Theo phụ huynh trên, HS thời xưa có thể bị đánh vào tay hay thậm chí vào đầu – điều mà ngày nay khó tưởng tượng.
Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện nghiên cứu GD thế kỷ 21 cho biết mặc dù các trường hợp HS bị ngược đãi gây ra phẫn nộ trong công chúng, nhưng đã có một sự đồng thuận rộng rãi rằng GV nên có quyền đưa ra các hình phạt có định hướng GD và là người có thẩm quyền trong lớp học của mình.
Các nhà chức trách địa phương cần cụ thể hơn về loại hình hành vi dẫn tới hình phạt, mức độ của hình phạt và ai nên giám sát quá trình này – ông Xiong Bingqi nói.
GV trung học Yin Guiling ở Thâm Quyến, Quảng Đông cho biết việc kỷ luật HS ngày càng trở nên khó khăn khi nhiều GV đã bị nhà trường phạt vì làm việc này.
Theo cô Yin Guiling, một số HS được nuông chiều ở nhà có xu hướng thường xuyên không vâng lời GV trong lớp, do đó ngày càng có nhiều GV do dự khi trừng phạt những HS này để tránh xung đột với phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường.
Theo cô giáo, kỷ luật là điều rất quan trọng bởi vì nó dạy HS những quy tắc và cho các em biết rằng mình không thể làm bất kỳ điều gì theo ý muốn.
“Tôi nghĩ rằng hầu hết GV phạt HS vì họ quan tâm đến các em” – cô Yin nói – “Nhưng đối với HS mà tôi hoàn toàn thất vọng, tôi sẽ không nói một lời nào về hành vi sai trái của những em này”.