Trung Quốc bỏ bài thi cuối kỳ môn tiếng Anh

GD&TĐ - Ủy ban Giáo dục thành phố Thượng Hải mới đây đã ban hành kế hoạch chương trình giảng dạy năm học 2021 - 2022 cho các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.

Một giờ học của trẻ em tiểu học Trung Quốc.
Một giờ học của trẻ em tiểu học Trung Quốc.

Trong đó, thành phố sẽ huỷ bỏ bài thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi cuối học kỳ dành cho học sinh tiểu học.

Các trường tiểu học cũng được yêu cầu không tổ chức kiểm tra, thi giữa kỳ; không xếp hạng học sinh dựa trên thành tích học tập. Học sinh lớp 1, lớp 2 không thi cuối học kỳ. Học sinh từ lớp 3 chỉ thi môn Tiếng Trung và Toán.

Các môn học khác, trong đó có Tiếng Anh, kiểm tra tại lớp để hoàn thành năm học. Ủy ban thành phố giao các nhà trường linh hoạt hình thức kiểm tra nhưng phải đảm bảo tổ chức khách quan, công bằng và nghiêm túc.

Dù Tiếng Anh là môn học được đánh giá cao trong chương trình phổ thông, chính quyền thành phố cho biết quy định mới nhằm giảm áp lực học và khối lượng bài tập cho trẻ nhỏ.

Trước đó, năm 2004, chính quyền Thượng Hải từng cấm thi tiếng Anh trong các trường phổ thông để giảm gánh nặng thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn cố tình tổ chức thi môn này bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, học sinh phải làm bài tập thay bài kiểm tra trước khi kết thúc năm học.

Ông Xiong Bingqi, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, đánh giá việc huỷ bỏ bài thi tiếng Anh cho học sinh tiểu học không đồng nghĩa môn học này bị xem nhẹ. Trong kỳ thi tuyển sinh THPT và kỳ thi đại học, tiếng Anh vẫn được tính điểm ngang với tiếng Trung và Toán, là 150 điểm.

“Không trường phổ thông, phụ huynh hay học sinh nào có thể lơ là môn Tiếng Anh. Khi so sánh với các địa phương khác, trẻ học tiếng Anh từ năm lớp 3, học sinh tại Thượng Hải có năng lực ngoại ngữ tương đối tốt từ lớp 1”, ông Bingqi nhận xét.

Không chỉ học tiếng Anh trong trường phổ thông, trẻ em Trung Quốc được phụ huynh đầu tư ngoại ngữ từ nhỏ. Nhiều trẻ học thêm tiếng Anh từ mẫu giáo để chuẩn bị cho kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như Cambridge.

Các gia đình có điều kiện chi những khoản tiền rất lớn để con cái chuẩn bị cho các kỳ thi tiếng Anh. Họ coi rằng điểm tốt tiếng Anh hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ có thể đưa trẻ vào các trường tốp đầu. Xu hướng này biến hoạt động dạy thêm tiếng Anh tại Trung Quốc thành thị trường béo bở, dự đoán trị giá 75 tỷ USD vào năm 2022.

Các nhà chức trách Trung Quốc ngày càng lo ngại về cuộc chạy đua chứng chỉ tiếng Anh trong những năm gần đây nên đã đưa ra một số biện pháp nhằm giảm áp lực cho học sinh nhỏ tuổi. Đơn cử, yêu cầu các trường tư thục và trường phổ thông chất lượng cao tuyển sinh dựa trên bốc thăm, không sử dụng kết quả chứng chỉ tiếng Anh.

Tháng 4/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiếp tục thông báo dừng tổ chức kỳ thi MSE lấy chứng chỉ tiếng Anh Cambrigde cho học sinh phổ thông. Thay vì quá tập trung vào các bài kiểm tra này, phụ huynh Trung Quốc được khuyến khích quan tâm tới sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần của trẻ, đồng thời nuôi dưỡng điểm mạnh và sở thích của con cái.

Trong ba thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều cải cách trong giáo dục để giải cứu trẻ nhỏ khỏi khối lượng bài tập quá tải. Những chính sách tăng mạnh trong thời gian gần đây được kỳ vọng có thể góp phần thay đổi giáo dục của xứ tỉ dân.

Theo SCMP, Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.