Sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP
Nhóm nghiên cứu do kĩ sư Lương Ngọc Tân - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện vừa hoàn thiện hệ thống trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng. Nghiên cứu thuộc chương trình “Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”.
Theo kĩ sư Lương Ngọc Tân, các chương trình nghiên cứu nông nghiệp trọng điểm của TPHCM đều quan tâm tới việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp sạch).
Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng quy trình trồng rau gia vị thủy canh hoàn lưu trong nhà màng; tập huấn giới thiệu mô hình, quy trình sản xuất rau ăn lá thủy canh trong nhà màng đến cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau tại huyện Củ Chi (TPHCM) và một số vùng lân cận.
Thủy canh là hình thức canh tác trong dung dịch, là kỹ thuật trồng cây không dùng đất. Cây được trồng trong dung dịch dinh dưỡng cùng với các loại giá thể. Dinh dưỡng sử dụng cho thủy canh được hòa tan trong nước dưới dạng dung dịch. Nếu trồng rau thủy canh được kết hợp đặt trong nhà màng sẽ kiểm soát được các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng khi đó cây trồng tránh được hầu hết các điều kiện mưa, nắng gắt, sương muối... nên có thể tăng vụ trồng trong năm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành mô hình thực hiện - trồng rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới trên hệ thống thủy canh hoàn lưu (tại Hợp tác xã rau sạch Củ Chi); mô hình đối chứng - trồng rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới trên giá thể trong nhà màng (tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao).
Trong đó, hệ thống thủy canh hoàn lưu được bố trí tại hộ sản xuất ông Trần Hồ Nhật Trang HTX rau sạch Củ Chi, ấp Cây Trâm, xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) với diện tích 1.200m2, phân chia thành 6 hệ thống máng thủy canh cho rau cần tây, rau quế vị, húng quế, húng cây, rau tía tô và kinh giới, trồng 2 vụ. Mỗi loại trồng với diện tích 200m2.
Kết quả cho thấy, năng suất thực thu (kg/100m2) vụ 1 ở mô hình thực hiện lần lượt là: Rau cần tây 607,6 kg, rau húng quế 297,9 kg, rau quế vị 298,9 kg, rau húng cây 241,6 kg, rau tía tô 360,0 kg, rau kinh giới 351,2 kg (cao hơn năng suất thực thu ở mô hình đối chứng 16 - 18%). Doanh thu ở mô hình thực hiện đạt 18.779.100 đồng/vụ gấp 1,45 lần mô hình đối chứng (12.937.860 đồng/vụ).
Năng suất rau thương phẩm cao trên 15%
Kĩ sư Lương Ngọc Tân cho biết, tính toán về hiệu quả kinh tế của mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng, 1 vụ trồng 6 loại rau (100 m2/loại), lợi nhuận đạt được của mô hình thực hiện là 5.136.274 đồng/vụ, cao gấp 3,17 lần mô hình đối chứng (1.621.899 đồng/vụ).
Tỷ suất lợi nhuận của mô hình thực hiện là 0,38 gấp 2,63 lần mô hình đối chứng (0,14). Mô hình trồng rau gia vị ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng cho năng suất rau thu hoạch cao hơn mô hình đối chứng 15%, năng suất thương phẩm đạt 98 - 99% năng suất thu hoạch; giúp tạo ra các loại rau gia vị an toàn đạt chuẩn TCVN 5942:1995.
Mô hình áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích.
Với mô hình này, phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu, kiểm soát được dinh dưỡng nên sản phẩm không bị dư lượng nitrat, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế rửa trôi phân bón…
Nhà màng được lắp đặt với vách bao quanh bằng lưới chặn côn trùng nên kiểm soát được côn trùng gây hại, kiểm soát được các điều kiện về môi trường trồng như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và thông thoáng thông qua hệ thống làm mát, quạt, mái che bằng lưới cắt nắng... đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây rau phát triển.
Nhóm thực hiện nhiệm vụ cũng tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu mô hình, quy trình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng; quy trình trồng rau ăn lá trên giá thể trong nhà màng cho người dân, doanh nghiệp trồng rau tại huyện Củ Chi và một số vùng lân cận.
Mô hình có thể tiếp tục nhân rộng để người dân tiếp cận được quy trình sản xuất rau ăn lá thủy canh trong nhà màng, nhằm góp phần cung cấp sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu; góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị theo định hướng phát triển của TPHCM, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.