Trong nghiên cứu phải luôn cho mình áp lực

GD&TĐ - Là 1 trong 10 nhà khoa học được vinh danh Quả Cầu Vàng 2022, TS Trần Thị Như Hoa để lại nhiều ấn tượng về thành tích khoa học.

TS Trần Thị Như Hoa trong phòng thí nghiệm.
TS Trần Thị Như Hoa trong phòng thí nghiệm.

Trở về để phát triển lĩnh vực nghiên cứu mới

Trưởng thành và dấn thân vào con đường nghiên cứu từ Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM, TS trẻ Trần Thị Như Hoa (sinh năm 1989) đã gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu bằng sự bền bỉ và hướng đi mới mẻ của mình.

TS Như Hoa cho biết năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, chị may mắn được GS.TS Lê Văn Hiếu nhận làm trợ giảng. Sau quá trình học tập và được dìu dắt của thầy cô, nhất là GS.TS Phan Bách Thắng, chị tiếp tục học cao học và nghiên cứu các hướng về vật liệu nano tại Hàn Quốc.

"Sau 4 năm công tác dưới vai trò trợ giảng, rồi giảng viên, năm 2015, tôi may mắn nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và nhận bằng tiến sĩ sau 3 năm. Tôi chọn theo hướng này là nhằm mục đích tìm được người thầy giúp mình tìm ra hướng nghiên cứu sâu hơn của ngành Công nghệ Vật liệu mới, có thể ứng dụng được tại Việt Nam"- TS Hoa nói.

Sau thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thành nghiên cứu sinh, TS Hoa ở lại và công tác tại ĐH Gachon, Hàn Quốc một thời gian. Đầu năm 2022, TS. Trần Thị Như Hoa quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên khoa Khoa học - Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM.

"Tôi chọn về quê hương vì muốn phát triển hướng nghiên cứu mới về vật liệu cảm biến quang học với các ứng dụng mới về y - sinh, môi trường. Ngoài ra, Trường ĐH KHTN TPHCM là nơi tôi cảm nhận rõ nhất sự thoải mái trong hoạt động NCKH của mình" - TS Hoa nói.

Hơn 10 năm bén duyên với khoa học, TS trẻ Như Hoa cho rằng làm khoa học mà không có áp lực, hay tự tạo ra áp lực cho mình thì rất khó để nuôi dưỡng động lực thúc đẩy sự tiến lên của bản thân. Bởi theo chị, mỗi một thành quả của các công trình nghiên cứu đều là một hành trình gian nan được quy đổi bằng những tháng ngày "ăn dầm, nằm dề" trong phòng thí nghiệm.

TS Trần Thị Như Hoa, chủ nhân Quả Cầu Vàng năm 2022 ở lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới
TS Trần Thị Như Hoa, chủ nhân Quả Cầu Vàng năm 2022 ở lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới

Kiên định con đường mới đã chọn

Theo TS Hoa, ngành Khoa học và Công nghệ Vật liệu còn đang rất mới tại Việt Nam. Ở thời điểm tôi theo học, Trường ĐH KHTN TPHCM là trường duy nhất có đào tạo ngành này.

"Đây không chỉ là may mắn mà nó còn như một cơ duyên giúp tôi phát triển sự nghiệp nghiên cứu. Tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi hoàn thành tiến sĩ và theo nghiên cứu các sản phẩm về công nghệ vật liệu mới cho đến các ứng dụng nghiên cứu đi vào cuộc sống." - TS Hoa chia sẻ.

Sau khi về Việt Nam, TS Hoa tiếp tục tập trung nghiên cứu chính về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.

"Các nghiên cứu của tôi gần đây đều là hướng đi mới. Ví dụ như thiết kế cảm biến sợi quang học trong kỹ thuật y sinh ứng dụng trong chẩn đoán bệnh như bệnh tim, ung thư dạ dày... Cảm biến y - sinh học cộng hưởng plasmon bề mặt định xứ (có độ nhạy cao nhờ vào tán xạ Raman tăng cường bề mặt SERS) nhằm xây dựng, thiết kế và chế tạo các cảm biến cộng hưởng plasmon bề mặt tăng cường tín hiệu huỳnh quang ứng dụng để phát hiện, chẩn đoán mức độ phân tử...

Hiện nhóm nghiên cứu của tôi đã phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh... Đây là cơ sở mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực y - sinh."- TS Hoa cho biết.

Không chỉ chuyên tâm nghiên cứu, TS Hoa còn dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để làm mới các hoạt động giảng dạy, cũng như các kỹ thuật cơ bản nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học nơi sinh viên.

Ngoài những giờ lên lớp truyền tải những kiến thức cơ bản và dùng các phương pháp dạy mới như CDIO, FCDI để giúp sinh viên hiểu rõ và tiếp thu nhanh hơn, TS trẻ Trần Thị Như Hoa còn xây dựng và tổ chức song song các buổi thuyết trình nhóm để sinh viên tự tìm hiểu vấn đề đặt ra và cùng nhau thảo luận.

"Chính sự kết hợp lý thuyết với thực hành tại các phòng thí nghiệm của khoa đã mang lại những bài học thực tiễn quý giá cho sinh viên, giúp sinh viên của tôi hiểu rõ hơn vấn đề đã học."- TS Hoa nói.

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa đã có 22 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 13 bài báo thuộc danh mục Q1 (11 bài là tác giả chính); 5 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (4 bài là tác giả chính); 18 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Chị cũng chủ trì, đồng chủ trì 4 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; tác giả của 1 chương sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực xét thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.