Trồng cao su tiểu điền, nhiều bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, nhiều bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trồng cao su tiểu điền, mỗi năm gia đình ông A Phun thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng.
Trồng cao su tiểu điền, mỗi năm gia đình ông A Phun thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng.

Cuộc sống đổi thay

Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền được triển khai trên địa bàn xã Đắk Long (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) từ năm 2012.

Khi tham gia Đề án, các hộ gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su giai đoạn trồng mới, kiến thiết cơ bản đến khai thác…

Xưa kia, cuộc sống gia đình ông A Phun (thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đắk Long) bấp bênh, “chạy ăn” qua ngày.

Với 1ha đất, không có kiến thức trồng các loại cây công nghiệp nên ông Phun chỉ trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nên ông chuyển sang cây mì mà thu nhập cũng chẳng ổn định.

Được cán bộ địa phương giới thiệu, ông Phun liền đăng kí tham gia Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền.

Khi tham gia ông được hỗ trợ 500 cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật tiên tiến.

Trải qua thời gian 7 năm trồng, chăm sóc đến nay cây cao su đã cho thu hoạch mủ. Ông Phun còn mở rộng thêm 1ha đất và trồng thêm 500 cây cao su. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu về từ 30 - 60 triệu đồng.

“Quanh năm trồng lúa, mì cuộc sống gia đình tôi khó khăn mãi chẳng tốt lên được. May mắn được Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, giờ đây cuộc sống của gia đình đã ổn định. Tôi sẽ cố gắng học hỏi thêm để tiếp tục phát triển kinh tế giúp quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông A Phun nói.

Khi lên 3 tuổi, sau một cơn sốt li bì, sức khoẻ chị Y Ly Đanh (thôn Kon Teo - Đắk Lấp, xã Đắk Long) yếu dần, nên khi lớn lên chẳng ai thuê làm.

Mong muốn cuộc sống ổn định, chị Y Ly Đanh tiếp cận với Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền.

Với đề án này, chị có điều kiện mua cây giống với kinh phí thấp, được tập huấn kỹ thuật và học hỏi kiến thức từ nhiều người, nên 1.000 gốc cao su sinh trưởng, phát triển tốt.

Lúc bấy giờ, cao su rớt giá, nhiều người thấy thua lỗ nên chặt để trồng cây mới. Thế nhưng tin tưởng giá cao su sẽ dần ổn định, chị cố gắng giữ và chăm sóc với hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Nhờ vậy, gần một năm nay với 1.000 cây cao su được Nhà nước hỗ trợ đã giúp kinh tế gia đình chị ổn định, con cái được đi học đủ đầy.

Thấy lợi ích mang lại, chị Y Ly Đanh quyết tâm phát triển thêm 3ha cây cao su và cà phê, chăn nuôi hơn 30 con bò, gà.

Trung bình, mỗi năm gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí, công chăm sóc.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Khi nhiều hộ dân "quay lưng" với cây cao su, chị Y Ly Đanh vẫn quyết tâm giữ lại, giờ đây mỗi năm gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng.

Khi nhiều hộ dân "quay lưng" với cây cao su, chị Y Ly Đanh vẫn quyết tâm giữ lại, giờ đây mỗi năm gia đình chị thu về gần 300 triệu đồng.

Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đắk Long cho hay, năm 2014 hàng loạt người dân trên địa bàn chặt cây cao su mà Nhà nước hỗ trợ để trồng các loại cây khác.

Để ổn định tư tưởng cho bà con, chính quyền địa phương đã đến từng nhà, thôn làng để tuyên truyền, vận động người dân.

Qua nắm bắt và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với bà con, nhiều hộ gia đình đã giữ lại diện tích cao su. Nhờ vậy đến nay mới tạo nguồn sinh kế ổn định.

Hiện huyện Đắk Hà có 7.700ha diện tích cao su (doanh nghiệp trồng 1.873ha còn hộ gia đình trồng 5.827ha).

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đắk Hà cho biết, trước đây bà con người đồng bào DTTS trên địa bàn đa phần trồng mì, khi đất bạc màu, người dân có nhu cầu trồng cây cao su nhưng không đủ vốn cũng như kinh nghiệm.

Nhờ Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền mà người dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo ông Hưng, địa phương cũng khuyến khích người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ nên trồng ở những vùng đất thuận lợi, không trồng ở vùng đồi dốc cao, hướng gió để tránh cây trồng đổ gãy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ