Trong 5 năm, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy khiến 433 người tử vong

GD&TĐ - Theo Bộ Công an, 5 năm qua, nước ta xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Lực lượng cứu hộ trực tiếp cứu được 6.786 người

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.

Theo đó, về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, nguyên nhân chủ yếu của những vụ cháy trên là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...

Xác định thời điểm vàng để chữa cháy

Quán triệt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, Bộ Công an đã đề xuất các nhiệm vụ.

Thứ nhất, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải xác định quan điểm: Lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống; lấy phòng là "cơ bản, chiến lược, lâu dài"; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận phòng cháy chữa cháy.

Đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.

Thứ 2, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cụ thể:

Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…

Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình để giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ, sự cố.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đưa việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục vào chương trình học năm 2022-2023.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định.

Thứ 3, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ, đề nghị khẩn trương bám sát các quy định, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị định để cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương mình.

Thứ 4, đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có chức năng quản lý về phòng cháy, chữa cháy nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, người dân cùng tham gia giám sát…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ