Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7/2021 với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến hết tháng 4/2022.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc tìm nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.
Trên cơ sở các vắc xin Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một số loại vắc xin Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.
Để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 cùng 1 loại là rất khó khăn
Ngày 14/7/2021, GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết trên Báo SKĐS, hiện nay hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vắc xin là rất khó khăn.
Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc xin của Pfizer.
Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Ưu tiên vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca
Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7/2021, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca là hơn 280 nghìn người.
Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng Covid-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất thì tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vắc xin phòng Covid-19.
Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc xin được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”.
Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.
Mũi 1 tiêm vắc xin AstraZeneca, mũi 2 có thể tiêm vắc xin Pfizer
Thông tin trên Báo Người Lao động, bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng một số quốc gia châu Âu đã tiêm mũi 1 vắc xin Astrazeneca và mũi 2 vắc xin Pfizer/BioNtech trên vài ngàn người, vài trăm người ở các vùng khác nhau và đưa ra kết quả khác nhau.
Một số nghiên cứu chỉ ra nếu tiêm 2 loại vắc xin, miễn dịch sẽ tốt hơn, đồng thời cũng ghi nhận một số phản ứng bất thường sau tiêm. Các phản ứng này tăng lên đáng kể so với tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại - AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNtech.
Vì vậy, trong văn bản chính thức Bộ Y tế họp và trong quyết định phân bổ hôm 12/7 cũng khuyến cáo chủ yếu tiêm duy trì 2 mũi vắc xin cùng loại. Tuy nhiên, trong trường hợp tại thời điểm tiêm chỉ có vắc xin Pfizer/BioNtech mà không có AstraZeneca thì chúng ta có thể tiêm vắc xin Pfizer/BioNtech, song tuyệt đối phải theo dõi sức khỏe của người tiêm.
Các cán bộ y tế và người được tiêm phải quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn.
Bộ Y tế cũng đã làm việc, trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng đơn vị này cũng chưa đưa ra khuyến cáo chính thức về việc tiêm "mix" các loại vắc xin.
Cũng theo bà Hồng, nhà sản xuất Pfizer/BioNtech cũng chưa khuyến cáo làm như vậy. Nhưng chúng ta có thể làm vì đã có nghiên cứu, có kết quả và Ủy ban tư vấn Việt Nam cho phép. Và chúng tôi cũng đã khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm.