Trọn nghiệp đưa đò

GD&TĐ - Hơn ba mươi năm qua, thầy bám trụ trường lớp với nhiều vai trò khác nhau: dạy học, phụ trách phong trào, hiệu trưởng… Cho tới ngày về hưu, thầy vẫn chưa thôi nghiệp bảng đen phấn trắng: tìm đến trung tâm học tập cộng đồng để tiếp tục cống hiến.

Trọn nghiệp đưa đò

Con người giàu tâm huyết ấy chính là thầy Nguyễn Thanh Hải, 75 tuổi, hiện đang làm quản lý và phụ trách giảng dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM.

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, từng là hiệu trưởng nhiều trường phổ thông trên địa bàn TPHCM, cuối năm 2002, thầy nghỉ hưu. Chỉ qua năm sau, 2003, thầy tìm đến TTHTCĐ Thạnh Lộc, tự nguyện tiếp tục nghiệp “đưa đò” không nhận thù lao.

 Bằng sự tận tụy, thầy Hải đã góp nhiều công sức phát triển trung tâm này thành điểm học tập hiệu quả cho người dân.

Trong khi nhiều TTHTCĐ khác tại thành phố chỉ hoạt động cầm chừng, thì trung tâm do thầy Hải phụ trách luôn sôi động. Buổi sáng dạy các lớp tiểu học; buổi chiều dạy học sinh bậc trung học cơ sở và buổi tối là các lớp bậc trung học phổ thông với hàng trăm học viên... “Để thu hút các em tới trung tâm, phải tạo lập được môi trường học tập tốt và có đội ngũ tình nguyện viên đứng lớp giỏi chuyên môn. Mình phải tạo niềm tin yêu cho học trò bằng cách mang kiến thức thực thụ cho các em”, thầy Hải chia sẻ.

Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất khang trang cho trung tâm từ các nguồn kinh phí đóng góp khác nhau, thầy Hải cũng huy động trồng thêm cây xanh để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho nhà trường, Không những thế, để có đủ giáo viên đứng lớp, thầy đã vận động được 18 tình nguyện viên tham gia dạy tại trung tâm, trong đó có nhiều người trước đây là học trò hoặc là giáo viên dưới quyền thầy quản lý. Cô Huỳnh Thị Phương Chi, một giáo viên của trung tâm, chia sẻ: “Thấy thầy Hải quá thương học trò, tôi tìm đến cùng dạy với thầy. Sự tận tâm của thầy khiến chúng tôi rất cảm động, ai cũng cố gắng dạy tốt”.

 

Thầy Nguyễn Thanh Hải bắt đầu ngày mới tại trung tâm vào lúc 5 giờ sáng với công việc đầu tiên là… quét sân, tưới cây. Với thầy, làm sạch đẹp nơi đây cũng là một trong những việc cần thiết để tạo môi trường học tập tốt. Rồi thầy cặm cụi chuẩn bị vật dụng cần thiết cho hoạt động của các câu lạc bộ sắp diễn ra. Tại trung tâm, thầy Hải còn mở các lớp học phổ cập từ cấp 1 đến cấp 3 - đều do thầy trực tiếp giảng dạy. Lớp học văn hóa dành cho người khiếm thị cũng là một nỗ lực lớn của người thầy giàu tâm huyết này. Lớp chỉ có khoảng mười học sinh, lại thêm chuyện nắng mưa, đau ốm nên học sinh đến lớp không thường xuyên. Sợ các em hôm sau đi học không hiểu bài nên hầu như ngày nào thầy cũng cầm tay chỉ dẫn tận tình từng em một. Với thầy, việc đầu tiên của người dạy là phải truyền được tình yêu thương của mình và niềm say mê học tập của trò. Do vậy, dù cả ngày tất bật với hàng chục lớp học và câu lạc bộ, thầy vẫn dành thời gian chia sẻ cùng học trò ngay tại căn phòng nhỏ của mình.

Các lớp học khuyến nông ngắn hạn cũng ra đời tại trung tâm gần bốn năm nay. Tuy không thể trực tiếp đứng lớp với bộ môn chuyên này, nhưng để có được những giờ học như thế, thầy Hải phải đi đến từng nhà phát tờ rơi mời bà con nông dân tham gia. Để có những giờ đi thực tế tại vườn, thầy lặng lẽ chuẩn bị tất cả. Vất vả là vậy nhưng với thầy vẫn chưa đủ: “Xã hội học tập mà, có bao giờ là đủ. Qua năm tới tôi còn hợp tác với một số trường năng khiếu để mở lớp học dành cho những em đam mê nghệ thuật hát, múa, vẽ tranh… Không thì thiệt thòi cho mấy em nghèo có năng khiếu lắm!”, thầy tha thiết nói.

Khi lớp học đã tan, 22 giờ đêm, thầy Hải vẫn lặng lẽ ngồi chấm bài, xem giáo án cho buổi dạy ngày mai. Thầy cho biết: “Học trò ở đây có nhiều lứa tuổi, chủ yếu là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong số học viên có người đã đi làm, nhiều người đã lớn tuổi nên khả năng tiếp thu bài học khác biệt. Do vậy, khi giảng bài, mình phải điều chỉnh cho phù hợp với năng lực tiếp thu của từng người”.

Trong những năm qua, dưới sự quản lý của thầy Hải, TTHTCĐ Thạnh Lộc đã xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp cho cả ngàn học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn; đào tạo nghề, hướng nghiệp cho hàng trăm em có thể tự nuôi sống bản thân không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Từ lớp học ban đầu chỉ khoảng 10 - 15 em, đến nay đã lên đến 120 em với 8 thầy cô giáo tình nguyện giảng dạy miễn phí. Trong số học sinh có nhiều em đến từ các phường khác, thậm chí ở tận Bình Dương tìm đến xin học... Đến nay, nhiều thế hệ học trò của thầy Hải học tại trung tâm học tập cộng đồng đã ra trường. Không ít người, từ những nền tảng kiến thức học được ở đây đã vươn lên thành đạt trong cuộc sống.

Trong số đó phải kể đến anh em Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hữu Toàn. Cha mất sớm, mẹ làm thợ may không đủ nuôi ba con ăn học. Hai anh em Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hữu Toàn đã tìm đến trung tâm xin học chữ từ khi vừa mới vào lớp 5. Đến nay, hai em đã lên lớp 10. Với vai trò Bí thư chi đoàn của trung tâm, Thắng tích cực vận động các bạn tham gia nhiều công tác xã hội thiết thực, còn Toàn tranh thủ lúc rảnh rỗi ngoài giờ học đi tham gia xử lý nạn “đinh tặc” thường hay xảy ra trên địa bàn trung tâm.

Còn em Nguyễn Hồ Ngọc, một học viên của trung tâm, đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Marketing, sau đó quyết định trở về trung tâm tự nguyện cùng các thầy cô thực hiện sứ mệnh “đưa đò”. “Được chứng kiến học trò của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn là tôi vui rồi. Đó là động lực để tôi tiếp tục tham gia sự nghiệp “trồng người” - thầy Hải cho biết.

Và cứ thế, 14 năm với tình yêu và tâm huyết của ông giáo già này, TTHTCĐ Thạnh Lộc đã và đang từng bước chuyển mình hoàn thiện hơn, trở thành mái nhà chung, là điểm hẹn tri thức cho bao người con ở quận vùng ven này.

Thầy Nguyễn Thanh Hải bắt đầu ngày mới tại trung tâm vào lúc 5 giờ sáng với công việc đầu tiên là… quét sân, tưới cây. Với thầy, làm sạch đẹp nơi đây cũng là một trong những việc cần thiết để tạo môi trường học tập tốt. Rồi thầy cặm cụi chuẩn bị vật dụng cần thiết cho hoạt động của các câu lạc bộ sắp diễn ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ