Khó khăn chồng chất, có lúc muốn bỏ nghề nhưng ánh mắt của những học sinh như muốn níu kéo, như muốn bày tỏ khát khao về con chữ… nên những giáo viên ở Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Ea Rbin (huyện Lắk, Đắk Lắk) lại quyết chí bám trụ trường lớp.
Vượt muôn vàn khó khăn
Thầy giáo Võ Văn Hải, từng có thời gian dài công tác ở xã Ea Rbin, cho biết chỉ 10 năm trước, muốn vào Trường THCS Trần Quốc Toản phải lách qua nhiều đoạn đường mòn, đường rừng, rất khó đi lại. Mùa mưa, đất đỏ nhão nhoẹt chỉ còn cách lội bộ.
Cũng bởi những khó khăn ấy nên học sinh cũng ít đến lớp lắm, phải thường xuyên đến động viên các em. Nhà của những học sinh lại ở thưa, không thể dùng đôi chân leo đèo lội suối, giáo viên phải chằng xích vào lốp xe Honda để đi cho khỏi bị trơn trượt, mà chỉ có nam giới mới dám đi như thế…
Cô Võ Thị Bảo Trâm - Giáo viên môn Toán - Tin chia sẻ: Ngày mới đến với bản làng còn nghèo khó, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, tôi không chỉ dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học thêm tiếng dân tộc…
Trước đây là vậy, nay đường vào Ea Rbin đã được mở rộng hơn, nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn trầy trật, thiếu thốn trăm bề.
Trước đây, Trường THCS Trần Quốc Toản chỉ lèo tèo mấy chục học sinh, giờ lên mấy trăm cũng nhờ hàng ngày các giáo viên đi vận động, khuyên nhủ các bậc phụ huynh.
Theo cô Bảo Trâm, để có được như vậy, giáo viên phải luôn tự nhủ với lòng mình, hãy cố gắng từng ngày, không được nản, hãy nghĩ đến tương lai của các học sinh của mình.
Nói về những khó khăn của Trường THCS Trần Quốc Toản, bà Bùi Thị Trí Huệ, Phó phòng GD&ĐT huyện Lắk cho biết: “Huyện luôn tìm cách ưu ái và động viên tinh thần kịp thời cho cả học sinh và giáo viên ở xã vùng sâu vươn lên. Phải nói rằng các thầy cô rất nghị lực mới có thể bám trụ được. Khó khăn nào rồi cũng qua, chúng tôi luôn đề ra quyết tâm như vậy”.
Tuy đường sá có kiên cố nhưng từ trung tâm huyện vào Trường THCS Trần Quốc Toản phải mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua chặng đường dài hơn 50 km, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.
Cũng là người mang nhiều tâm huyết với nghề giáo bà Huệ vẫn thường xuyên đi cơ sở như một cách “tiếp lửa” cho các giáo viên, qua những cung đường hiểm trở như vậy.
Hy sinh tuổi xuân vì học sinh thân yêu
Cô giáo viên Phan Thị Diệu Thu vốn là người vùng xuôi, sau khi tốt nghiệp đại học, có nhiều nơi ở phố thị mời đi dạy nhưng cô lại chọn cách xung phong vào vùng sâu xa này khiến nhiều bạn bè cùng lứa ngỡ ngàng.
Cô Thu tâm sự, nếu mình không xung phong vào thì lấy đâu ra giáo viên dạy chữ cho các em. Những nơi ấy mới chính là nơi cần mình nhất.
Theo cô Trâm, từ vùng này ra thị trấn mất nửa buổi, đường đèo nguy hiểm nên cứ quanh quẩn trong các buôn làng để cùng các em học sinh học tập và hướng dẫn phụ huynh ăn uống vệ sinh thôi. “Có lúc nghĩ tuổi xuân của mình trôi qua, không trở lại cũng hơi buồn nhưng rồi nghĩ đến tương lai các em lại vui thôi” - Cô Trâm cười vui.
Trao đổi với các thầy cô giáo, chúng tôi nhận thấy cái khó của học sinh ở đây nhận thức còn chậm so với học sinh ở thị trấn hay miền xuôi nên đòi hỏi cả thầy và trò đều phải nỗ lực vượt khó, tích cực phát huy tính độc lập suy nghĩ trong quá trình dạy và học.
Nhớ lại những lần xuống buôn làng tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, nhiều giáo viên trong trường đều chung một tâm sự: “Ban đầu, các em cũng như nhiều phụ huynh chưa hiểu về tác dụng và sự cần thiết của việc học chữ, nhiều người còn ghét giáo viên nữa. Thế nhưng dần dần, họ hiểu ra nên rất quý và tin yêu những người dạy chữ cho con mình.
Cùng với tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, giáo viên trường còn đến các buôn, làng để hướng dẫn ôn bài và bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em.
Chính vì vậy, nhiều em đã tiến bộ rất nhanh”. Cô Thu bổ sung thêm: “Giáo viên trường đều đã được tiếp cận và sẵn sàng với tất các các phương thức dạy học và soạn giáo án mới. Tuy nhiên, với học sinh ở vùng sâu này phải áp dụng từ từ, nếu không các em bỡ ngỡ không nắm bắt được và sinh ra chán học ngay”.
Hy sinh tuổi xuân là một chuyện, chuyện sinh hoạt của những giáo viên nơi đây cũng khiến chúng tôi cảm phục. Dãy nhà nội trú cho giáo viên đã quá cũ kỹ.
Do tường bị nứt nẻ nên các thầy cô phải dán lên đó nhiều lớp giấy, báo để cho đỡ ẩm mốc quần áo, chăn màn. Có lúc ngồi soạn giáo án mà tường từ trần nhà tróc ra rơi xuống lả tả.
Điều kiện còn hạn chế là vậy nhưng các giáo viên của trường vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhìn ra con đường rừng dài hun hút và nhìn lại quãng thời gian đằng đẵng bám trường, ánh mắt cô Thu lại như chứa đầy nỗi niềm.
Chúng tôi hỏi về mong mỏi của cô, cô lại chỉ cười: “Hy vọng rồi sau này vùng đất này sẽ giàu đẹp như miền xuôi. Các giáo viên sẽ hồ hởi như ở thị trấn vậy, lúc đó, không chỉ công việc nhàn hơn mà các em học sinh cũng có điều kiện chăm lo cho học tập hơn”.
Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Quốc Toản, chính sự đồng lòng và tình yêu nghề cháy bỏng của các giáo viên mà tương lai của các em học sinh được rộng mở hơn.
Tỷ lệ học sinh ra lớp đạt gần 90%, số học sinh tốt nghiệp đúng độ tuổi hơn 90%. Hầu hết học sinh có đạo đức tốt, bản chất hiền hòa, chấp hành tốt nội quy trường đề ra. Các em rất chăm chỉ học tập, lắng nghe thầy cô giáo giảng bài nên tỷ lệ học sinh khá giỏi cũng khá cao.
Hầu hết các giáo viên đều đạt chuẩn và vượt chuẩn. Thành quả bước đầu đạt được là thế nhưng với những giáo viên xem học sinh như là ruột thịt của mình ở Trường THCS Trần Quốc Toản vẫn còn nhiều trăn trở.
Cô Trâm giãi bày: Điều chúng tôi băn khoăn, trăn trở không phải cho riêng mình mà là cho các em học sinh. Cuộc sống các em còn cơ cực, khốn khó. Bữa ăn của các em rất đạm bạc, các phương tiện giải trí cũng nghèo nàn.
Cô Trâm và nhiều giáo viên từng nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua thêm sách vở và đồ dùng học tập, quần áo để động viên các em.