Đúng thế, chị đã rất nhớ con. Nhưng chị cũng cảm thấy thoải mái khi tạm gác lại công việc nuôi dạy con để có một khoảng thời gian cho riêng mình.
Chị viết, đọc, đi bộ và ngủ nhiều hơn. Chị có thể ở đó thêm một tuần nữa. Công việc khiến chúng ta phải xa gia đình. Hiển nhiên đó là điều rất khó khăn, nhưng với những người hướng nội như chị, việc có thời gian xa con cái là điều cần thiết. Nhưng sự xa cách cũng khiến chị lo lắng.
Chị nghĩ mình nên nuôi dưỡng cũng như gần gũi con nhiều hơn. Chị biết mình không đơn độc với cảm giác này. Phước, một người bạn của chị đã từng trải qua những cảm giác tương tự.
Ngay từ đầu, Phước đã có một phản ứng phức tạp khi làm mẹ. Cô thích sự kết nối mật thiết của việc cho con bú, đồng thời, cô cũng không thích làm việc này vào những thời điểm nhất định trong ngày. Cô có cảm giác cơ thể đột nhiên không phải là của mình nữa. Khi con trai cô lớn hơn và đòi hỏi nhiều hơn, cô mong muốn cai sữa cho con và làm như vậy càng sớm càng tốt.
Phước nói với chị: “Tớ đã đóng một vai trò tích cực trong việc tạm dừng sự dính mắc với con trong những ngày đi công tác”. Câu nói này có lẽ sẽ khiến những ai có khuynh hướng gắn bó cảm thấy sốc. Điều này cũng khiến Phước cảm thấy có lỗi với con trai của mình khi con chưa đầy 1 tuổi, nhưng cô ấy cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác.
Phước kể: “Rất nhiều đồng nghiệp hỏi tớ rằng liệu tớ có nhớ con không. Nhưng việc ở nhà với con suốt ngày sẽ khiến tớ cảm thấy nhàm chán và stress. Tớ lo lắng rằng tớ sẽ cảm thấy bị mắc kẹt. Tớ cũng buồn vì không hiểu tại sao mình không muốn ở cùng con cả ngày”.
Sau này, cảm giác tội lỗi vẫn len lỏi trong cuộc sống của Phước dù con trai cô đã 5 tuổi. “Tớ cảm thấy rất tệ khi trở về nhà và thay vì chơi cùng con hoặc làm bữa tối cho con, tớ ngồi một mình đọc sách để nạp năng lượng sau một ngày dài làm việc”.
Chị có thể hiểu cảm giác của bạn mình. Kể từ khi con chị bắt đầu học mẫu giáo toàn thời gian, nhiều người đã hỏi chị có cảm thấy buồn không vì chị đã là người chăm sóc toàn thời gian cho con trong 4 năm rưỡi đầu đời.
Nhưng sự thật là bây giờ chị hạnh phúc hơn bao giờ hết: cuối cùng thì chị cũng có thời gian mà chị cần. Không phải chị ghét việc làm mẹ khi ở nhà, nhưng điều đó đôi khi khiến chị kiệt sức.
Vào những ngày tồi tệ, chị đã trải qua chính xác những gì Phước lo sợ: Bị mắc kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn, kiệt quệ thể chất lẫn tinh thần. Nếu chưa có con, có lẽ bạn không thể tưởng tượng một đứa trẻ 4 tuổi có thể nói với bạn bao nhiêu từ trong ngày. Con trai chị lúc nào cũng huyên thuyên về lego, xe lửa, kẹo dẻo và kem sô cô la. Đôi khi, chị muốn bịt tai lại chỉ để có chút thời gian suy nghĩ. Giờ đây, chị thấy mình là một người mẹ tốt hơn, điềm tĩnh hơn khi con dành thời gian trong ngày ở trường học.
Chị rất vui khi thấy con ngày càng phát triển thành một cá nhân độc lập và thích các hoạt động nghệ thuật. Chị yêu con trai của mình - đến nỗi muốn mang lại những gì tốt nhất cho con. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chị cần không gian riêng để suy nghĩ, cảm nhận và được sống là chính mình.
Điều này cũng giống như hướng dẫn khẩn cấp trên máy bay: Người lớn tự đeo mặt nạ dưỡng khí trước khi hỗ trợ con cái của họ. Chị nghĩ mình phải chăm sóc bản thân trước tiên để có thể chăm sóc người khác một cách tốt nhất.
Vào dịp cuối tuần, chồng chị thường đưa con về thăm bà nội. Thời gian đó, chị được làm công việc riêng. Tất nhiên, khi chồng con trở về, chị sẽ tiếp tục tận hưởng không gian đầy ắp sự vui vẻ và chị trân trọng điều đó hơn bất cứ thứ gì trong cuộc sống.