Theo thông tin ban đầu. Khoảng 1 giờ ngày 27/3 hai con chó trong nhà ông H. bị bắt trộm.
Trong lúc giằng co với tên trộm để bảo vê tài sản của mình, ông H. bị 1 trong 2 tên trộm chó dùng súng tự chế bắn vào người, tử vong.
Chuyện trộm chó xảy ra đến nay đã lâu lắm rồi mà vẫn chưa có giải pháp nào khả thi để chấm dứt. Lâu lâu nạn trộm chó lại tái diễn với những hệ lụy không mong muốn. Người truy đuổi, bắt kẻ trộm bị thương vong vì hung khí của bọn trộm chó; những kẻ trộm chó bị thương vong vì đòn "hội đồng" bởi có thể trong đó là những người có chó bị trộm trước đây.
Điển hình của những trường hợp nêu trên là vụ trộm chó đêm 24/10/2017 ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hỏa, Bắc Giang). Kẻ trộm chó bị người dân truy đuổi bắt được. Sau khi bị đánh "hội đồng" no đòn, kẻ trộm cho tiếp tục bị treo lên cột điện một thời gian, sau đó được công an xã giải cứu và đưa đi điều trị.
Vụ trộm chó sáng 14/12/2016 xảy ra tại xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm TP. Hà Nội. Phát hiện vụ việc, người dân truy đuổi 2 kẻ trộm chó và bắt được một tên, tên còn lại nhanh chân tẩu thoát. Một trận đòn tập thể dành cho “cẩu tặc” cùng với chiếc xe máy được “hóa kiếp” cho hả cơn giận của người truy đuổi kẻ trộm chó.
Sự việc xảy ra tại thôn 12 xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên cùng năm 2016. Kẻ trộm chó sau khi "no đòn" đến mức thừa chết thiếu sống tới mức bị nhét vào lồng nhốt chó để... thoát chết.
Chuyện thương tâm xảy ra năm 2014 ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TPHCM). Ba người truy đuổi kẻ trộm chó bị bắn tử vong và ba kẻ trộm chó bị TAND.TPHCM tuyên án từ 10 năm tù đến tử hình vì có hành vi “ giết người” và “trộm cắp tài sản”
Điều đáng nói là những hành vi đánh, treo, nhốt những kẻ trộm chó; đốt xe máy, ô-tô hay bất cứ hành vi nào để nhằm vào những kẻ “trộm chó”, để thỏa cơn thịnh nộ của những người bị trộm chó lại không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, nạn trộm chó chưa được xử lý nghiêm, gây nhức nhối xã hội là bởi cách xử lý của cơ quan quản lý chính quyền cũng như pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Lâu nay, chúng ta vẫn coi chuyện trộm chó chỉ ở mức độ “trộm” với giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng, do đó cách xử lý còn quá nhẹ, nên cho đến nay vẫn chưa có biện pháp pháp luật khả thi nào có đủ hiệu lực để đủ sức răn đe nghiêm khắc những đối tượng vi phạm. Bởi vậy, nạn trộm chó vẫn tồn tại và tồn tại ở mức độ những kẻ trộm chó ngày càng hung hãn táo tợn, liều lĩnh hơn.
Mặt khác, chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền, nhưng chưa tin vào cách xử lý của cơ quan công quyền đối với những kẻ trộm chó. Và trong lúc bức xúc, họ đã tự mình hành xử với những kẻ trộm chó với danh nghĩa “tập thể”. Đây là một thứ luật lệ tự phát không phù hợp trong một xã hội văn minh. Nó mang tính chất “ân oán giang hồ” thời “ vô thiên vô pháp”, không có căn cơ, nền tảng nào cả: đạo đức xã hội không cho phép mà luật pháp nhà nước cũng cấm.
Không thể để tồn tại một vấn nạn mang theo quá nhiều hệ lụy kéo dài đến hôm nay vẫn chưa có hướng xử lý hình sự được, vì lý do chưa vượt mức định lượng tài sản. Tại sao chúng ta không mạnh dạn đưa vấn nạn này vào khuôn khổ pháp luật (?).
Nên chăng Luật Hình sự nước ta bổ sung thêm một điều khoản để cấm những hành vi trộm cắp, săn bắt, bẫy, vận chuyển, xâm hại, giết mổ một vài loại thú nuôi đặc biệt trong đó có loài chó…. Với mức chế tài đủ sức răn đe người sắp sửa phạm tội.
Chúng ta chưa làm hay chưa dám làm như vậy vì sợ bất khả thi chăng? Chúng ta sợ đụng chạm vào một “loại tín ngưỡng” có số “tín đồ” khá lớn như hiện nay sẽ bất khả thi chăng?
Theo Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) thì Việt Nam là nước ở châu Á đứng thứ hai tiêu thụ chó, với số lượng mỗi năm hơn 5 triệu con, đứng sau Trung Quốc là 20 triệu con và trên Hàn Quốc là khoảng 2,5 triệu con.
Theo tôi, mọi qui định pháp lý nào mang tính đột phá , giải quyết được vấn nạn, mang lại ổn định trật tự xã hội, phù hợp với đạo đức xã hội và không trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành cũng sẽ được đa số người dân ủng hộ.
Thêm một điều, khoản bổ sung trong Luật Hình sự như trên để ngăn chặn kẻ phạm pháp, đảm bảo trật tự trị an xã hội, đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân, tại sao phải chần chừ?