Đất cho trường học - Mất bò chưa lo làm chuồng:

Trò 'thiệt đơn thiệt kép' vì thiếu phòng học

GD&TĐ - Để nhường phòng cho khối 1-2-3 học 2 buổi/ngày theo Chương trình mới, HS khối 4-5 của nhiều trường tiểu học tại Đà Nẵng chỉ học 1 buổi/ ngày.

Để đủ phòng học cho khối 1-2-3 học 9 buổi/ngày, sĩ số trung bình của khối 1, Trường Tiểu học Duy Tân lên đến gần 43 em/lớp.
Để đủ phòng học cho khối 1-2-3 học 9 buổi/ngày, sĩ số trung bình của khối 1, Trường Tiểu học Duy Tân lên đến gần 43 em/lớp.

“Vỡ trận”

Chỉ sau khai giảng năm học 2022 – 2023 vài ngày, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải điều chỉnh giờ vào học của khối lớp 5. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hỷ cho biết: “Nếu theo giờ học cũ, học sinh khối lớp 5 ra về lúc 11 giờ 20 phút. Chúng tôi “đẩy” giờ vào học sớm hơn 10 phút để các em ra về buổi trưa cho đỡ nắng nóng”. Khi bắt đầu mùa mưa, giờ vào học của khối 4 cũng sớm hơn 10 phút để buổi chiều, các em tan học không quá muộn.

Học sinh khối lớp 4-5, Trường Tiểu học Duy Tân chỉ học 5 buổi/tuần, với thời lượng 6 tiết/buổi. Với 37 lớp học nhưng chỉ có 30 phòng học, nhà trường không thể bố trí cho học sinh khối 4-5 học trái buổi. Vì vậy, trong sắp xếp thời khóa biểu, ban giám hiệu phải khéo léo để tránh những tiết học nặng về kiến thức hoặc vận động nhiều vào cuối buổi.

Dù toàn bộ khối lớp 4-5 chỉ học 6 buổi/tuần nhưng để đủ phòng học, Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn phải sử dụng tạm 4 phòng để làm phòng học. Đó là hội trường, phòng đọc, cải tạo sảnh làm thêm 1 phòng học và cải tạo phòng giáo viên và phòng Đội để ghép thành 1 phòng học.

Theo cô Phạm Huyền Bội Giao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Thị Bôi, phường chỉ có 1 trường tiểu học, nên áp lực về số lượng học sinh tăng, trong khi cơ sở vật chất không đáp ứng kịp. Đây là năm đầu tiên, học sinh khối 1-2-3 của trường buộc phải học 9 buổi/tuần.

Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng, tâm lý chung là học sinh sẽ mệt mỏi, hiệu quả tiếp thu hoặc mức độ tập trung không tốt như những tiết học đầu buổi. Vì vậy, các môn Toán, Tiếng Việt, Anh văn hoặc Thể dục, nhà trường thường ưu tiên xếp lên đầu hoặc giữa buổi học.

Năm học 2022 – 2023, Trường Tiểu học Duy Tân chỉ có thể biên chế số học sinh lớp 1 thành 8 lớp. “Với số lớp này, nhà trường mới có thể bố trí được cho toàn bộ khối 1-2-3 của Chương trình GDPT 2018 đủ phòng học để học 9 buổi/tuần. Vì vậy, trung bình sĩ số của khối 1 là gần 46 học sinh/lớp” - thầy Hỷ thông tin.

Cũng ưu tiên cho học sinh khối lớp 1-2-3 học đủ 9 buổi/tuần, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại đau đầu với bài toán quản lý và phân bổ lịch học, phòng học cho khối lớp 4-5.

Cô Bùi Thị Thanh Tuyền – Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Với 51 lớp/48 phòng học, nhà trường đảm bảo cho khối 4-5 học 7 buổi/tuần vì vẫn có phòng để học sinh học lệch buổi. Khối lớp 4 sẽ học cả ngày vào thứ 3 và 5, các ngày còn lại học 1 buổi. Nhưng khối lớp 5 buộc phải chia ra, lớp nào học buổi sáng hết sẽ có 2 buổi học lệch vào chiều thứ 2-4. Khối 5 có một số lớp học ngôn ngữ Nhật nên tùy theo phòng học dôi dư mà bố trí thời khóa biểu để đủ 7 buổi/ngày, nhưng lịch học không chung cho toàn khối được”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt dưới cờ.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sinh hoạt dưới cờ.

Học sinh thiệt thòi

Có con đang học lớp 4, Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), chị V.T.C. kể: “Đầu năm, cô giáo thông báo do không đủ phòng học nên khối 4-5 phải chuyển sang học 1 buổi/ngày. Con học buổi chiều, giờ vào học là 13 giờ 20 phút nên buộc phải sắp xếp lại sinh hoạt gia đình để con có giấc ngủ trưa. Chỉ có ngày thứ 6 trẻ học 5 tiết, còn các ngày khác đều phải học 6 tiết, giờ tan học là 17 giờ 35 phút, rất muộn”. Theo chị C., với tâm lý và sức khỏe của lứa tuổi tiểu học, phải học 6 tiết/buổi là quá tải.

Cô Nguyễn Thị Minh Xuân, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/4, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, đối với nội dung học của chương trình lớp 4, khối lượng kiến thức tương đối nặng. Trong khi đó, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày nên không có điều kiện để giáo viên hướng dẫn thêm ở tiết học tăng cường. Vì vậy, trong buổi họp đầu năm, cô Xuân đã thống nhất với phụ huynh tạo điều kiện để các em có được giấc ngủ trưa ngắn trước khi đến lớp. Cô cũng tổ chức cho học sinh vận động tại chỗ giữa các tiết để không quá mệt.

Trong buổi họp đầu năm của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, nhiều phụ huynh đã kiến nghị cần phải đổi phòng học vì lớp sát đường quốc lộ quá ồn. Chia sẻ với phụ huynh, cô Hiệu trưởng Bùi Thị Thanh Tuyền phân trần, nhà trường chỉ có thể sử dụng các biện pháp như đóng kính cửa để hạn chế tiếng ồn; quản lý học sinh khối 1-2-3 ra về sớm không chạy nhảy, chơi đùa ở khu vực lớp 4-5 chứ không còn phòng nào để hoán đổi.

“Các phòng chức năng hiện được tận dụng để làm phòng học. Vì vậy, các giờ học Âm nhạc, Mỹ thuật đều được tổ chức tại lớp. Nếu đối chiếu với mục tiêu giáo dục của chương trình mới, nhà trường rất khó đáp ứng vì không có phòng bộ môn để triển khai dạy – học. Cả trường chỉ có một phòng Hội đồng được di chuyển lên tầng 4, giáo viên không có phòng nghỉ” – cô Tuyền thông tin.

Sĩ số học sinh bình quân của Trường Tiểu học Duy Tân là 40 học sinh/lớp, một số lớp lên đến 43 em. Thầy Nguyễn Hỷ tính toán, để đảm bảo cho 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, Trường Tiểu học Duy Tân cần bổ sung thêm 10 phòng học. Nếu trong năm học 2022 – 2023, nhà trường không được xây dựng bổ sung thêm phòng học thì năm học tới, số lớp đang học 9 buổi/tuần còn giảm nữa vì khi đó, Chương trình GDPT 2018 đã triển khai cho khối 4 rồi. Chưa kể là mỗi năm, nhà trường đều tăng thêm 1 lớp do dân số cơ học tăng.

Mong ước của những người làm cán bộ quản lý như thầy Hỷ, cô Tuyền chỉ đơn giản là làm sao đủ đội ngũ giáo viên và phòng học để nhà trường tập trung vào công việc giảng dạy, không phải xoay xở, tính toán phương án sắp xếp thời khóa biểu, chia phòng, chia buổi sao cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ