Giải bài toán quỹ đất cho trường học

Giải bài toán quỹ đất cho trường học
(GD&TĐ) - Điều chỉnh quỹ đất cho trường học để đáp ứng yêu cầu về xây dựng trường chuẩn quốc gia, đặc biệt ở các thành phố lớn là mối quan tâm của cử tri, được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp cụ thể, chi tiết. 
Em vui tới trường
Em vui tới trường. Ảnh: gdtd.vn
Cử tri hỏi:
Thực tế hiện nay quỹ đất nội thành của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ chỉ đạo, điều chỉnh vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng trả lời:
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế công nhận trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn, quy trình thủ tục để Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trong những năm qua các địa phương đã tập trung đầu tư nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Kết thúc năm học 2011-2012, cả nước có số trường đạt chuẩn quốc gia là: 2.828 trường mầm non (đạt tỷ lệ 21%); 7.130/15.273 trường tiểu học (đạt tỷ lệ 46,68 %); 2.748 trường THCS (đạt tỷ lệ 25,31%) và 378 trường THPT (đạt tỷ lệ 14,20%). 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nhiều địa phương, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải khó khăn vì không đủ diện tích đất để xây dựng trường đúng quy cách (phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành bộ môn; khuôn viên trường...), chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích mặt bằng trên đầu học sinh.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT của 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất bị chiếm dụng, vi phạm quy định sử dụng đất, các dự án xây dựng khu đô thị chậm thực hiện theo quy định ở những khu vực thiếu trường học hoặc trường học chưa đủ đất để xây dựng mới trường học hoặc xây dựng mở rộng. Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới phải xem xét đến việc dành quỹ đất cho trường học. Các khu đất đã được xác định chức năng xây dựng trường học thì không được chuyển đổi mục đích sang nhà ở hay công trình thương mại. 
Với các trường khu vực nội thành, không có điều kiện mở rộng khuôn viên đất cần tính toán, quyết định sỹ số học sinh/lớp ở các cấp học cho phù hợp thực trạng đất đai của cơ sở giáo dục để từ đó có hướng đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho trường học đạt tiêu chuẩn của quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về diện tích mặt bằng trên mỗi đầu học sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế về đất xây dựng trường học khu vực đô thị ở bậc THCS và THPT. Cụ thể, trước đây quy định đối với khu vực đô thị, diện tích mặt bằng xây dựng ít nhất từ 6m2/học sinh trở lên, nay đã điều chỉnh quy định diện tích mặt bằng sử dụng ít nhất từ 6m2/học sinh trở lên, nhờ đó số lượng trường đạt chuẩn quốc gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua đã tăng lên đáng kể (Ví dụ Thành phố Hà Nội: Năm học 2009-2010 có 157/584 trường THCS, 16/186 trường THPT đạt chuẩn quốc gia; Năm học 2012-2013 có 214/620 trường THCS, 27/201 trường THPT đạt chuẩn quốc gia). 
Trong các quy chế công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, Bộ GD&ĐT không quy định về số tầng của nhà lớp học mà chỉ quy định về diện tích đất, diện tích sử dụng bình quân tối thiểu tính trên đầu học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng nhà lớp học thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường học (Công bố tại Quyết định số 2582/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ), theo đó: Trường mầm non không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng... ; Trường tiểu học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng...; Trường trung học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 4 tầng... và có chú thích: Đối với các trường không đủ tiêu chuẩn diện tích đất, cho phép tăng chiều cao công trình để giảm mật độ xây dựng nhưng phải đảm bảo an toàn cho học sinh,  phù hợp với quy hoạch được duyệt và phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. 
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ/ngành liên quan nghiên cứu, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non tại địa phương được xây nhà lớp học cao tầng hơn so với quy chuẩn hiện nay trên cơ sở đảm bảo các quy định nêu trên. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quy chế công nhận trường mầm non, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.
Vừa qua, nhiều cử tri đã bày tỏ sự quan tâm cũng như đặt ra những câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các vấn đề nóng trong lĩnh vực giáo dục. Với tinh thần cầu thị, không né tránh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp và thẳng thắn giải đáp. Báo Giáo dục & Thời đại và Giáo dục và Thời đại điện tử (gdtd.vn) trân trọng đăng tải một số câu trả lời của Bộ trưởng với cử tri.
PV ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ