Nước này đã đầu tư hơn một tỷ USD cho lĩnh vực giáo dục từ khi áp dụng chính sách mới. Đây được xem là sự thúc đẩy rất cần thiết sau nhiều năm chi tiêu cho lĩnh vực này tính theo tỷ lệ GDP sụt giảm.
“Tôi nghỉ học từ năm 2016 khi đang học lớp 4. Nếu không có giáo dục miễn phí, tôi không biết làm sao có thể trở lại trường học”, Mariana Chirwa, 18 tuổi, nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và phụ huynh bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của chính sách trên. Việc miễn học phí được coi là bước đầu tiên hướng tới việc trao cho thanh, thiếu niên Zambia cơ hội công bằng để có một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng với nguồn lực hạn chế của đất nước, việc quản lý số lượng lớn học sinh và duy trì chất lượng giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức.
Do chưa đầu tư đủ vào cơ sở hạ tầng, các trường học thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, khiến chất lượng giáo dục giảm, nhất là đối với học sinh thu nhập thấp.
Đơn cử, năm 2022, anh Robert Mwape đã chuyển con trai 11 tuổi từ trường tư thục thu học phí sang một trường công lập miễn phí. Ông bố sớm hối hận về quyết định này.
“Tôi thấy kết quả của con trai bắt đầu giảm. Vì vậy, một hôm, tôi đến thăm lớp học và thấy có quá nhiều học sinh. Rất nhiều cháu ngồi nói chuyện riêng còn giáo viên không thể bao quát toàn bộ lớp học”, ông bố nói và chuyển con về trường tư trong năm học tiếp theo.
Tại Trường Tiểu học và Trung học Chanyanya, cách thủ đô Lusaka, hơn một tiếng lái xe, học sinh phải đến trường từ 7 giờ sáng trong khi các lớp học thường bắt đầu sau 8 giờ. Richard Banda, 16 tuổi, một học sinh trong nhóm, giải thích: “Bạn cần đến trường sớm vì thiếu bàn ghế. 2 ngày trước, tôi đến muộn và phải ngồi bệt xuống sàn trong khi trời lạnh”.
Tương tự, học sinh Richard Banda phản ánh, việc học miễn phí không giống như học trả tiền. Khi giáo dục mất tiền, lớp học ít người, giáo viên có thể giải thích lại bài giảng cho học sinh không hiểu nhưng khi lớp học đông đúc do miễn phí, giáo viên không có thời gian cho từng học sinh.
Còn cô giáo Cleopatra Zulu, 33 tuổi, cho biết: “Khi tôi bắt đầu giảng dạy vào năm 2019, một lớp có khoảng 40 học sinh nhưng bây giờ đã lên tới hơn 100 người mà đó chỉ là một lớp học. Mỗi ngày, chúng tôi đều có học sinh mới vì hiện nay giáo dục là miễn phí”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ghi nhận số lượng trẻ em đi học tại châu Phi cận Sahara đang tăng cao hơn bao giờ hết. Nhưng 9/10 học sinh tiểu học trong khu vực vẫn gặp khó khăn trong việc đọc và hiểu các văn bản đơn giản. Do đó, trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách hiện nay là tuyển dụng giáo viên có trình độ và cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn lực vật chất.
Theo Chính phủ Zambia, nước này sẽ thực hiện các bước để giải quyết những thách thức phát sinh từ chính sách miễn phí giáo dục. Họ dự kiến xây dựng hơn 170 trường học mới và cam kết tuyển dụng 55 nghìn giáo viên đến cuối năm 2026, trong đó, 37 nghìn người đã được lựa chọn. Động thái trên sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động Zambia.