Giấc mơ tan vỡ
Trong một báo cáo về tác động của xung đột đến giáo dục tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Trung Đông, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nói rằng hơn 8.850 trường học đã không còn sử dụng được bởi giao tranh.
Nhiều giáo viên và học sinh đến trường với nguy hiểm súng đạn cận kề, nhiều phòng học được trưng dụng thành nơi tránh bom tạm thời và nhiều trẻ em phải vượt qua vùng giao tranh chiến sự chỉ để dự thi.
“Tác động tiêu cực của xung đột được trẻ em cảm nhận rõ rệt. - Peter Salama, Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của UNICEF nói - Không chỉ là những thiệt hại vật chất trường lớp hữu hình, mà còn là sự tuyệt vọng của một thế hệ trẻ em đang chứng kiến hy vọng và tương lai tan thành mây khói”.
Riêng năm ngoái, UNICEF ghi nhận 214 vụ tấn công vào các trường học ở Syria, Iraq, Libya, lãnh thổ Palestine, Sudan và Yemen.
Tại Syria, giáo dục đang trả “giá đắt” sau 4 năm rưỡi xung đột. 1/4 trường học phải đóng cửa từ khi xung đột nổ ra, khiến hơn 2 triệu trẻ em bỏ học và gần nửa triệu học sinh có nguy cơ mất trường học.
Bên cạnh đó, hơn 52.000 giáo viên đã bỏ việc khiến hệ thống GD thêm khủng hoảng. Thậm chí với những giáo viên Syria đã chạy tị nạn đến các nước khác cũng khó khăn để được làm đúng nghề. Nghề giáo sẽ mai một kể cả một ngày nào đó họ trở về khi đất nước bình an.
Trường học không an toàn
Theo UNICEF, một trong những vụ tấn công trực tiếp tồi tệ nhất vào một trường học tại khu vực này là tại Yemen, nơi 13 nhân viên và 4 học sinh bị giết trong một vụ tấn công vào phòng hội đồng giáo viên tại thành phố Amran phía Tây.
“Giết hại và tùy tiện bắt cóc học sinh, cán bộ giáo viên đã trở nên phổ biến” tại khu vực, báo cáo viết.
Hàng trăm trường phổ thông và đại học đã phải đóng cửa từ tháng 3 khi liên quân do Ả Rập Xê-út dẫn đầu không kích vào phiến quân Huthi được Iran hậu thuẫn - lực lượng đã chiếm giữ thủ đô Sanaa và nhiều khu vực khác của Yemen.
Theo cư dân, ít nhất 7 trường tại Yemen đã bị trưng dụng bởi các lực lượng tham chiến làm doanh trại hoặc nơi tá túc cho những gia đình loạn lạc. “Quân Huthi đã chuyển đổi một số trường học thành doanh trại, khiến học sinh ở đó phải nghỉ học kỳ 2” - một giáo viên cho biết.
Abdel Rab Hassan, Hiệu trưởng một trường học ở thủ đô, nói rằng “xe tăng và súng phòng không được đặt trong trường” kể từ khi giao tranh bùng phát trong tháng 3.
Tại dải Gaza, nơi chứng kiến cuộc chiến 50 ngày năm ngoái giữa chiến binh Hamas và Israel làm chết khoảng 2.200 người Palestine và 73 người phía Israel, LHQ nói rằng có ít nhất 281 trường học bị hư hại và 8 trường bị “phá hủy hoàn toàn”.
Tại Iraq, giao tranh giữa quân chính phủ và tổ chức cực đoan IS có tác động nghiêm trọng đến việc học hành của ít nhất 950.000 trẻ em. Có khoảng 1.200 trường đã biến thành nơi trú ngụ cho người dân chạy lánh bạo lực. Nhiều lớp học có tới 9 gia đình tá túc và việc nấu nướng phải làm ngoài sân trường.
Xung đột cũng ảnh hưởng nặng nề tới học sinh Libya với hơn một nửa trẻ lưu lạc không thể tiếp tục đi học. Riêng tại thành phố Benghazi, lớn thứ hai Libya, LHQ cho biết chỉ 65 trong 239 trường còn hoạt động.
Tại Sudan, một số lượng lớn gia đình chạy nạn khỏi các bang Darfur và Nam Kordofan vẫn chưa biết cho con học ở đâu.