Bảo vệ danh dự nhà giáo, chính thức “chốt” quy chế thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Vụ việc xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh (Long An), hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk và việc Bộ GD&ĐT ban hành quy chế sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT là những nội dung giáo dục được quan tâm trong tuần qua.

Trường tiểu học Bình Chánh/ Ảnh: Báo Lao động
Trường tiểu học Bình Chánh/ Ảnh: Báo Lao động

Lên tiếng bảo vệ danh dự nhà giáo

Sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh (Long An): Một cô giáo bị phụ huynh học sinh ép phải quỳ xin lỗi tại trường. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam và dư luận xã hội đã lên tiếng bảo vệ nhà giáo.

Công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký 1 ngày sau khi diễn ra sự việc đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Cùng ngày, Công đoàn giáo dục Việt Nam gửi văn bản tới Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, Sở GD&ĐT Long An, Công đoàn giáo dục tỉnh Long An và Liên đoàn Lao động huyện Bến Lức đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương làm rõ vụ việc và có giải pháp kịp thời để xử lý cá nhân đã có hành vi vi phạm nhân phẩm nhà giáo theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông lên án những hành vi trên.

Tại văn này này, Công đoàn giáo dục Việt Nam cũng đề nghị Liên đoàn Lao động huyện Bến Lức có hình thức phê bình, kiểm điểm Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Trường tiểu học Bình Chánh; đề nghị Công đoàn Giáo dục tỉnh Long An phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện Bến Lức, Ban Giám hiệu, Công đoàn cơ sở Trường tiểu học Bình Chánh làm rõ vụ việc, nghiêm túc xử lý tập thể và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền; có biện pháp động viên, hỗ trợ, ổn định tâm lý để cô giáo giảng dạy, công tác bình thường.

Trên các phương tiện truyền thông cũng ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến vụ việc, trong đó hầu hết thể hiện thái độ bất bình trước cách hành xử của phụ huynh khi ép cô giáo phải quỳ xin lỗi.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – bày tỏ quan điểm, cho rằng, điều này là không thể chấp nhận trong một dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo; khiến các giáo viên trẻ mất lòng tin, không đủ can cảm theo nghề.

Có một góc nhìn khác, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên nêu quan điểm: Đây là một câu chuyện buồn, nhưng theo dõi báo chí, dư luận vẫn nhìn thấy điểm tích cực, đó là không ai ủng hộ cách hành xử của phụ huynh, đồng thời lên tiếng bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo. Điều đó cho thấy, xã hội vẫn đứng về phía người thầy…

Cũng trong tuần này, tại Đắk Lắk diễn ra sự viên hơn 500 giáo viên hợp đồng có thể bị mất việc. Bộ GD&ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo.

Thông tin trên báo Nhân dân, sáng chủ nhật (11/3), UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức họp khẩn để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

“Chốt” quy định thi THPT quốc gia

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/4/2018.

Theo Thông tư này, một số thay đổi mang tính kỹ thuật được áp dụng trong kỳ thi năm nay. Đáng chú ý, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật được áp dụng đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp hỏi thăm một số học sinh là tác giả, nhóm tác giả tham dự cuộc thi

488 dự án thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017 – 2018 khu vực phía Bắc diễn ra tại Nghệ An ngày 10 – 13/3. Theo thông tin từ Ban tổ chức, Cuộc thi thu hút 488 dự án ở 22 lĩnh vực, 882 học sinh tham dự, tăng 30 dự án so với năm học trước. Khu vực phía Bắc (dành cho học sinh từ Thừa Thiên – Huế trở ra) có 249 dự án của 475 học sinh (THPT có 198 dự án với 375 học sinh, THCS có 51 dự án của 100 học sinh).

Lĩnh vực Kỹ thuật - Cơ khí có số dự án nhiều nhất, tập trung vào các ứng dụng thực tiễn trong nông nghiệp, gắn với thực tiễn lao động sản xuất.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả Cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người (là đầu vào tốt của các trường đại học), các ý tưởng khoa học (để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu), các sản phẩm công nghệ (để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm)… Đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp…, tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo.

Trong khuôn khổ Cuộc thi cũng diễn ra Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và nhiều hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.