Thủ tướng khen sinh viên dũng cảm, Bộ GD&ĐT xin ý kiến 2 dự thảo Thông tư quan trọng

GD&TĐ - Thủ tướng khen sinh viên dũng cảm, Bộ GD&ĐT xin ý kiến 2 dự thảo Thông tư quan trọng về Chuẩn hiệu trưởng và tuyển sinh ĐH, CĐSP là thông tin giáo dục được chú ý tuần qua.

Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Lê Văn Trung trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm truy tặng sinh viên Hoàng Đức Hải cho gia đình (ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) vì hành động quên mình cứu người. Ảnh: ZING
Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Lê Văn Trung trao Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm truy tặng sinh viên Hoàng Đức Hải cho gia đình (ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) vì hành động quên mình cứu người. Ảnh: ZING

Nam sinh dũng cảm cứu sống 3 mẹ con

Ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định truy tặng Bằng khen cho sinh viên Hoàng Đức Hải (Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, quê xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) về hành động dũng cảm cứu người.

Trước đó, ngày 8/2, chị Lê Thị Loan (giáo viên trường THCS xã Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cùng hai con gái ra sông Ghép thả cá. Do trượt chân, cả ba mẹ con bị đuối nước. Hải đi thả cá gần đó đã lao ra cứu được mẹ con chị Loan vào bờ an toàn, nhưng bản thân vì kiệt sức nên bị nước cuốn đi.

Chia sẻ nỗi đau với gia đình sinh viên dũng cảm Hoàng Đức Hải, Thủ tướng Chính phủ cũng gửi 20 triệu đồng để hỗ trợ gia đình.

Chiều 9/2, thừa ủy quyền của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng đã trao truy tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho Hoàng Đức Hải.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa còn quyết định trao Bằng khen cho hai cá nhân đã cùng Hải tham gia cứu ba mẹ con cô giáo là Lê Bá Khánh, học sinh lớp 9C, Trường THCS xã Hải Châu và Lê Ngọc Vương, sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cùng ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Trong tuần qua, nhiều tấm gương nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người cũng được báo chí chia sẻ. Trong đó có câu chuyện về cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diệu (Trường tiểu học TT.Kế Sách 1, H.Kế Sách, Sóc Trăng) trên báo Thanh niên.

Hơn 10 năm giảng dạy, cô Diệu đã có “bộ sưu tập” thành tích đáng nể mà ít giáo viên nào có được: liên tục dự thi và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Năm 2017, cô là đại diện duy nhất của ngành giáo dục Sóc Trăng tham dự hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” toàn quốc do Công đoàn Giáo dục VN phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức và giành giải khuyến khích.

Không chỉ nỗ lực đạt thành tích cao trong chuyên môn, cô Diệu còn tích cực tham gia các hoạt động do ngành, địa phương tổ chức và cũng đạt được nhiều giải thưởng.

Cô Trương Thị Hồng Yến
Cô Trương Thị Hồng Yến

Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ câu chuyện về cô Trương Thị Hồng Yến - cán bộ phụ trách mầm non của Phòng GD&ĐT Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). 8 năm công tác trong ngành, dù ở cương vị nào cô Yến cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không chút toan tính, vụ lợi cá nhân nên ít người biết cô đang mang trong mình mang căn bệnh ung thư vòm họng.

Những đợt trị xạ dài ngày tại bệnh viện khiến sức khoẻ suy kiệt, trên giường bệnh hay các đợt được nghỉ phép, không hề ỷ lại mà bỏ trễ công việc, cô Yến vẫn luôn cập nhật thông tin về ngành, vẫn cố gắng để hoàn thành các báo cáo đúng định kỳ, chỉ đạo các hoạt động chuyên đề chăm sóc, giáo dục trẻ, vẫn ấp ủ sáng kiến kinh nghiệm cho công tác quản lý giáo dục mầm non, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học của ngành.

Cũng trên báo Giáo dục và Thời đại có câu chuyện về vợ chồng nhà giáo Phan Thanh Thuận và cô giáo Bùi Thị Thư (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Họ không chỉ luôn có nhau trong cuộc sống thường nhật để vun vén một gia đình hạnh phúc, mà còn tương hỗ cho nhau trong mỗi bài soạn giáo án, chia sẻ với nhau trong các tình huống hỗ trợ học trò để có những bài giảng hấp dẫn, sáng tạo…

Tháng 11/2017, cô giáo Bùi Thị Thư được tôn vinh tại giải thưởng Võ Trường Toản mở rộng. Niềm vui đối với cô Thư càng nhân đôi khi trước đó, năm 2016, chồng cô, thầy giáo Phan Thanh Thuận cũng được vinh danh trong giải thưởng này.

Xin góp ý 2 dự thảo chuẩn quan trọng

Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy được Bộ GD&ĐT công bố tuần qua.

Những điểm mới trong dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đáng chú ý liên quan đến ngưỡng điểm đầu vào với ngành sư phạm, giảm điểm ưu tiên khu vực và đợt tuyển sinh.

Cụ thể, với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển. Nếu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điều kiện đối với thí sinh dự thi nhóm ngành đào tạo giáo viên bậc đại học là phải xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Trình độ cao đẳng, trung cấp sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Cũng theo dự thảo, mức chênh lệch điểm cộng ưu tiên giữa các khu vực thu hẹp một nửa so với hiện nay, chỉ còn 0,25 điểm thay vì 0,5 điểm. điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Với cách làm tròn này, điểm xét tuyển sẽ rất sát so với điểm thực tế.

Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin tuyển sinh của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển 15 ngày.

Đặc biệt, dự thảo ghi rõ: Các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo.

Đặc biệt, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh. Những trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định này sẽ không được thông báo tuyển sinh. Bộ sẽ tổ chức thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Về dự thảo Chuẩn hiệu trưởng, văn bản Bộ GD&ĐT công bố đưa ra 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí. Mục đích của chuẩn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông, làm căn cứ để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông;

Đồng thời, dựa trên chuẩn, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Nếu được ban hành chính thức, quy định mới về Chuẩn hiệu trưởng nói trên sẽ thay thế Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học và Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.