Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án tham nhũng

GD&TĐ - Viện KSND tối cao trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử...

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến.

Sáng 30/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Ông Nguyễn Huy Tiến cho biết, những năm qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế đã đạt được những kết quả to lớn.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, nhất là trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; còn thiếu các biện pháp để các cơ quan tố tụng thực hiện ngay từ đầu nhằm ngăn chặn sớm việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản trước khi có đủ căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng kê biên, phong tỏa…

Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc” đã yêu cầu trong năm nay, Viện KSND tối cao xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm này.

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều, cụ thể: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); nguyên tắc thực hiện (Điều 2); Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3); Hiệu lực thi hành (Điều 4); Tổ chức thực hiện (Điều 5).

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết đã xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Nghị quyết chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý;

Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa;

Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng;

Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Bà Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự, với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn được nêu trong Tờ trình.

uy-ban-tu-phap.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết cũng tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.