Trình Quốc hội giải pháp 'tháo gỡ' vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách

GD&TĐ - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật. 

Quốc hội nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật.
Quốc hội nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, ngày 18/10/2024, Chính phủ đã ký Tờ trình số 678 gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với Luật Chứng khoán: Chính phủ đề xuất hoàn thiện các quy định, để tăng cường công tác giám sát.

Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Hủy bỏ đợt chào bán.

luat2.jpeg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đối với Luật Kế toán: Nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 2 nhóm mục tiêu chính:

Một là, áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán;

Đơn giản hóa nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán.

Đối với Luật Kiểm toán độc lập: Nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính:

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế;

Nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế;

Mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.

Với Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.

Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gồm:

Bổ sung quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan;

Bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;

Việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

luat3.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và các ĐBQH tham dự Kỳ họp.

Đối với Luật Quản lý thuế: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về:

Mức tiền phải trả lãi; Thẩm quyền quyết định hoàn thuế; Nguyên tắc quản lý thuế; Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; Quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.

Đối với Luật Dự trữ quốc gia: Tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong các trường hợp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã sử dụng nguồn gạo dự trữ quốc gia để làm quà tặng (viện trợ nước ngoài).

Chuyển thẩm quyền quyết định ngân sách Trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ Ủy ban thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng, đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nội dung tại Luật Dự trữ quốc gia:

Bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước;

Sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách Trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.