Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu có thay đổi dung lượng

GD&TĐ - Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều.

Luật Nhà giáo thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.
Luật Nhà giáo thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.

Thay đổi dung lượng

Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo có thay đổi dung lượng. Cụ thể, dự thảo 2 Luật Nhà giáo đăng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gồm 9 chương, 71 Điều. Dự thảo 5 trình Quốc hội ngày 6/9/2024 gồm 9 Chương, 74 Điều. Đến dự thảo 5 trình Quốc hội ngày 17/10/2024 gồm 9 Chương 50 Điều.

Chia sẻ về lý do điều chỉnh dung lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, sau khi Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại 2 phiên họp (phiên thứ 37 ngày 25/9/2024 và phiên thứ 38 ngày 8/10/2024).

Tại các phiên họp cho ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra yêu cầu xây dựng Luật trong bối cảnh hiện nay: Thứ nhất, đảm bảo “ngắn gọn”;

Thứ hai, không quy định lại các vấn đề đã được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành;

Thứ ba, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại luật này. Các quy định đặc thù đối với nhà giáo được tính toán, thiết kế tại dự thảo Luật Nhà giáo theo định hướng “điều gì tốt hơn cho nhà giáo thì ủng hộ” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ các quan điểm chỉ đạo nêu trên, dự thảo Luật Nhà giáo qua các phiên bản đã có sự điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thống nhất với Luật Viên chức và Bộ Luật Lao động trong một số quy định, đồng thời thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo.

nhan-biet-tap-noi-co-va-tre-lop-25-36-thang-trung-tam-mns1st-5757-9343.jpg
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Nhà giáo thỉnh giảng được quy định chung trong Luật Giáo dục

Tại dự thảo Luật Nhà giáo đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, khái niệm về nhà giáo được quy định riêng tại khoản 3 Điều 1: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục”.

Đến dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, khái niệm nhà giáo đã được điều chỉnh, không còn quy định riêng nữa mà đưa về quy định tại chương IV, Luật Giáo dục.

Theo đó, tại dự thảo mới quy định về đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo là “Nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân”.

Đối với nhà giáo thỉnh giảng, để các quy định về nhà giáo ở các Luật liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất, Ban soạn thảo đã cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng. Theo đó, với tư cách là Luật khung, trong Luật Giáo dục có 1 chương riêng về nhà giáo nên khi ban hành Luật Nhà giáo, các quy định chung nhất về nhà giáo được giữ lại có điều chỉnh tại chương IV. Luật Giáo dục.

Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo giữ nguyên khái niệm về nhà giáo ở chương IV. Luật Giáo dục: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục”.

Người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục bao gồm nhà giáo làm việc toàn thời gian (được tuyển dụng), nhà giáo thỉnh giảng (tham gia giảng dạy một phần, có thể là một môn học hoặc một học phần trong chương trình giáo dục phù hợp).

Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.