Triều Tiên lấy công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân ở đâu?

GD&TĐ - Truyền thông phương Tây trích dẫn dữ liệu từ tình báo quân sự Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang chế tạo tàu ngầm hạt nhân đầu tiên.

Triều Tiên lấy công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân ở đâu?

Một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quân sự Hàn Quốc do hãng thông tấn Yonhap công bố đã nói về việc Triều Tiên khởi công chế tạo chiếc tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử nước này, có thể hoạt động bằng năng lượng hạt nhân: "Các dấu hiệu được phát hiện cho thấy dường như đây là bước khởi đầu của quá trình chế tạo tàu ngầm hạt nhân".

Đây không phải lần đầu tiên thông điệp như vậy xuất hiện, gây ra nhầm lẫn về thuật ngữ. Báo chí phương Tây dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un khi ông tuyên bố vào năm 2021 rằng bản thân đang làm việc trên tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên: "Thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới đã được nghiên cứu và đang ở giai đoạn xác minh cuối cùng".

Tới năm 2023, chiếc tàu ngầm đầu tiên của Triều Tiên mà giới truyền thông gọi là "hạt nhân" đã được hạ thủy. Sự khác biệt là gì? Bản chất của vấn đề là cách đây một năm, Bình Nhưỡng đã đưa vào sử dụng tàu ngầm “Anh hùng Kim Gun Ok” số hiệu 841, không có lò phản ứng hạt nhân mà là vẫn là loại diesel-điện thông thường.

Tàu ngầm diesel-điện của Triều Tiên thể hiện rõ ràng "gen Liên Xô": thiết kế của nó phần lớn giống với Dự án 633 Romeo ra đời từ giữa những năm 1950, trên cơ sở đó là phiên bản được cấp phép của Trung Quốc có tên Type 033.

Tàu ngầm Triều Tiên mặc dù dựa trên thiết kế này nhưng hóa ra lớn hơn và dài hơn nhiều so với nguyên mẫu, do được bố trí một khoang tên lửa ở phần giữa thân.

Vấn đề thứ hai là mối quan tâm lớn nhất đối với các nước láng giềng của Triều Tiên, đó là module này có thể mang tới 8 tên lửa, ẩn sau vỏ bọc của 4 hầm chứa đường kính lớn và 4 hầm chứa nhỏ hơn.

Tàu ngầm diesel-điện của Triều Tiên được cho là có khả năng mang tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkyuksong-3 tầm xa 2.500 km, được trang bị đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra ở mũi tàu còn được trang bị 2 ống phóng ngư lôi 533 mm.

Chiếc tàu ngầm này sẽ đưa Hàn Quốc và Nhật Bản trong tầm bắn tên lửa, trở thành một nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn tham vọng của Seoul và Tokyo. Được biết, Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch đóng tới 20 tàu ngầm diesel-điện loại này.

rkuiutv6pfkyhmggsahkbiew64-1479.jpg
Triều Tiên được cho là đang khởi đóng một tàu ngầm hạt nhân đích thực.

Nhưng “Anh hùng Kim Gun Ok” sẽ không đưa vũ khí đến được lãnh thổ Hoa Kỳ và Hải quân Mỹ sẽ không cho phép nó áp sát trong phạm vi tấn công hiệu quả. Xét về các đặc tính hoạt động như khả năng tàng hình và tầm bắn tên lửa, tàu ngầm Triều Tiên thua kém đáng kể so với phương tiện hiện đại của Nga hay Trung Quốc.

Đó là lý do tại sao các phương tiện truyền thông phương Tây rất quan tâm đến báo cáo từ tình báo quân sự Hàn Quốc về việc khởi công đóng một chiếc tàu ngầm mới tại Triều Tiên, chiếc lớn nhất - được cho là có trang bị lò phản ứng hạt nhân.

Sự hiện diện của lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu ngầm bí mật làm nhiệm vụ chiến đấu ở trạng thái lặn dưới nước suốt nhiều tháng, khiến đối phương khó phát hiện và tiêu diệt chúng bằng đòn tấn công phủ đầu.

Đối với Triều Tiên, điều này có tầm quan trọng lớn xét từ quan điểm an ninh quốc gia. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng có tầm hoạt động gần như không giới hạn. Tuy nhiên chỉ một vài nước phát triển nhất trên thế giới có công nghệ chế tạo phương tiện trên, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Vậy ai có thể là nguồn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho Bình Nhưỡng, Trung Quốc hay Liên bang Nga? Ấn phẩm chuyên ngành The War Zone của Mỹ đưa ra một giả thuyết ủng hộ “bàn tay thân thiện của Điện Kremlin”:

"Khả năng chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn là một vấn đề đáng nghi ngờ, mặc dù mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của nước này với Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng công nghệ và chuyên môn nhằm giúp đạt được mục tiêu".

"Với việc Triều Tiên bắt đầu hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến Ukraine, đã nâng cao khả năng hỗ trợ theo kiểu 'có đi có lại' từ Moscow, quốc gia có công nghệ hạt nhân và tên lửa tiên tiến, do vậy việc giúp đóng một chiếc tàu ngầm mới cũng có thể là một lựa chọn".

Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên có thể có công nghệ gần giống với loại Type 041 của Trung Quốc, khi được trang bị không phải lò phản ứng hạt nhân cổ điển mà là một động cơ điện hybrid.

Tờ báo Mỹ The Washington Times, dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên, đã bình luận về sự kiện này như sau:

"Đây là lớp tàu ngầm hạt nhân mới, có kích thước tương tự các tàu ngầm thông thường của Hải quân Triều Tiên nhưng có lò phản ứng hạt nhân nhỏ chứ không phải động cơ diesel thông thường".

"Ngoài những câu hỏi hiển nhiên về tiêu chuẩn huấn luyện và chất lượng trang thiết bị... đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về sự liên quan của Trung Quốc trong vụ việc trên".

Theo tờ báo Mỹ, rất có thể Trung Quốc đã quyết định thử nghiệm các công nghệ tiên tiến thông qua đối tác Triều Tiên. Nhưng điều này không chắc chắn và chưa thể loại trừ khả năng Nga cung cấp công nghệ như đã nêu ở trên.

Tàu ngầm chiến lược “Anh hùng Kim Gun Ok” của Hải quân Triều Tiên.
Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ