Những thứ bạn mua được bằng tiền ở xung quanh, không phải chỉ là các món đồ mà chính là thời gian của bạn. Làm chủ được thời gian mới là điều khiến bạn hạnh phúc nhất, chứ không phải tiền bạc hay vật chất.
(*) Bài viết là chia sẻ của Chris Reining, người đã trở thành triệu phú USD ở tuổi 35. Anh từng là kỹ sư công nghệ thông tin ở bang Wisconsin và quyết định nghỉ hưu ở tuổi 37. Ở tuổi 15, Chris Reining có công việc đầu tiên chính là rửa bát thuê với mức lương 4,24 USD cho mỗi giờ. Công việc này đã đem lại cho anh rất nhiều bài học ý nghĩa, góp phần cho những thành công sau này.
Khi bạn 15 tuổi và chẳng thể nào chìa tay xin bố mẹ tiền cho những món đồ mà mình yêu thích, cách tốt nhất là tự kiếm tiền. Rửa bát thuê chính là công việc đầu tiên của tôi. Những tháng ngày làm việc trong nhà hàng Ý nhỏ đó đã cho tôi bài học đáng suy ngẫm về cách làm chủ thời gian và tiền bạc.
Tôi bắt đầu nhận ra, công việc chính là khi chúng ta đổi thời gian để lấy tiền bạc. Bạn làm việc cho một người chủ và ông ấy sẽ trả bạn tiền tương ứng với công sức mà bạn đã bỏ ra.
Với một đứa trẻ tuổi vị thành niên như tôi ngày ấy, cái giá của một giờ đồng hồ chính là 4,24 USD. Thực sự thời gian của một cậu trai như tôi khi đó chẳng đáng giá cho lắm phải không?
Lũ trẻ chúng tôi thời bấy giờ đều rất muốn mua một album nhạc với những bài hát đang "làm mưa làm gió". Một chiều thứ 7, khi đang lang thang ở khu đồ điện tử, tôi dừng mắt lại ở quầy đĩa khi thấy album đó đang giảm chỉ còn 16,98 USD.
Tôi đã từng nghĩ mình sẽ ngay lập tức cầm chiếc đĩa và phi ra quầy thanh toán nhưng không. Tôi chợt nhẩm ra, chiếc đĩa đó tương đương với gần 4 tiếng tôi phải vật lộn với cả chồng bát đĩa không biết lúc nào mới vơi.
"Album nhạc đó có đáng giá với 4 tiếng đồng hồ lao động vất vả của mình không?".
Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra điều quan trọng là số tiền trong ví mình có không chỉ là tiền, mà nó còn là thời gian quý báu.
Benjamin Franklin, một trong những nhân vật nổi tiếng được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử nước Mỹ từng nói: "Thời gian là tiền bạc". Có lẽ chúng ta ai cũng từng nghe điều này nhưng cuộc sống hối hả mỗi ngày dễ khiến chúng ta quên đi điều đó. Khi bạn lãng phí tiền chính là bạn đang lãng phí thời gian của bản thân.
Trong những năm tháng tuổi trẻ đó, tôi đã trải qua rất nhiều công việc, từ bán hàng, bê đồ ở cửa hàng tạp hoá tới phục vụ trong rạp hát... Bài học về tiền bạc và thời gian đã giúp tôi dành dụm gần như toàn bộ khoản kiếm được. Song bằng một cách nào đó, tôi đã quên những gì mình học được sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm.
Trong cuộc đời, bạn ắt hẳn sẽ gặp những người trông có vẻ giàu có nhưng thực chất không một xu dự phòng, tiết kiệm. Họ kiếm được cả vài trăm ngàn USD nhưng làm được đồng nào là "xào" đồng đó. Có những vị bác sĩ, luật sư ngày ngày lái những chiếc xe đắt tiền, sống trong các khu cao cấp, trải nghiệm các kỳ nghỉ xa hoa nhưng tất cả chỉ là bề nổi.
Những người kiếm 100.000 USD, tiêu 40.000 USD và có 1 triệu USD trong tài khoản, đó là mới giàu! Chẳng phải cách đơn giản nhất để trở nên giàu có là kiếm nhiều và tiêu ít sao?
Nhưng điều nghe đơn giản đó không có nghĩa là dễ dàng. Điều khiến việc làm giàu khó là biến việc tiêu ít hơn mức mình kiếm được trở thành kỷ luật và thực hiện điều đó một cách nghiêm túc.
Tôi ngẫm ra điều này thực sự rất giá trị. Những năm tuổi 20, tôi đã tiêu đúng như những người "trông giàu có mà không phải vậy". Bạn nghĩ có nhiều thứ đồ vật chất, thoả mãn được mọi ham muốn nhất thời của mình là chìa khoá để hạnh phúc ư?
Phải mất nhiều năm, tôi mới học lại được điều mình đã biết từ lúc tuổi vị thành niên. Những thứ bạn mua được bằng tiền ở xung quanh, không phải chỉ là các món đồ mà chính là thời gian của bạn. Làm chủ được thời gian mới là điều khiến bạn hạnh phúc nhất, chứ không phải tiền bạc hay vật chất.