Tuổi thơ khốn khó
Sheldon Adelson sinh năm 1933 tại khu phố Dorchester – nơi vẫn được gọi là khu ổ chuột thuộc thành phố Boston, bang Massachusetts (Hoa Kỳ) với 42% trẻ em phải sống trong đói nghèo.
Adelson sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm nghề lái taxi, mẹ ở nhà dệt len, tuổi thơ của vất vả hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, việc học hành dở dang.
Lên 10 tuổi, cậu bé nghèo chọn nghề bán báo dạo làm kế sinh nhai. Không những thế, cậu còn nhận làm đủ mọi nghề khác nhau để kiếm sống, từ bán bánh kẹo đến phát tờ rơi.
Lớn hơn chút nữa, với sự nhanh nhẹn, lanh lợi và khéo ăn nói, Sheldon đã đến với nghề quảng cáo và tiếp thị bán hàng. Từ đó, chàng trai trẻ tích lũy những kinh nghiệm kinh doanh không đến từ trường học mà từ cuộc sống bươn chải đời thường của mình.
Ông từng chuyển tới New York học đại học nhưng bỏ dở rồi vào quân đội. Sau một thời gian dài đi nghĩa vụ quân sự, Sheldon trở về nhà và tiếp tục theo đuổi con đường kinh doanh.
Lần này, ông chọn nghề môi giới tài chính, tín dụng và bảo hiểm. Chính nhờ công việc kinh doanh này mà ông có được nhiều mối quan hệ rộng rãi.
Khởi đầu muộn màng
Sớm nhận thấy xu hướng bùng nổ của công nghiệp máy tính cá nhân vào cuối những năm 1970, Sheldon quyết định làm dịch vụ hội chợ máy tính khi biết rằng rất nhiều khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm máy tính trên thị trường.
Năm 1979, ở tuổi 46, độ tuổi khá muộn để bắt đầu xây dựng một sự nghiệp so với nhiều tỷ phú khác, Sheldon thành lập công ty Comdex chuyên tổ chức hội chợ máy tính tại một vùng ngoại ô Las Vegas để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, bằng mối quan hệ cá nhân, kinh nghiệm tổ chức, hội chợ Comdex của Sheldon ngày càng thu hút được các đại gia máy tính khắp nơi tham dự. Comdex trở thành nhà tổ chức hội chợ máy tính quốc tế có uy tín nhất thế giới.
Sau gần 20 năm “hốt bạc” từ kinh doanh hội chợ, năm 1997, nhận thấy thời kì máy tính đến lúc bão hòa, Sheldon đã bán lại Comdex cho tập đoàn Softbank của Nhật với giá 860 triệu USD.
Năm 1991, trong chuyến đi nghỉ tuần trăng mật với người vợ thứ hai, Adelson tìm thấy ý tưởng xây dựng một khu phức hợp khách sạn, nhà hàng, sòng bạc lớn tại khu Sands.
Thực tế, từ năm 1984 ông đã xây dựng tổ hợp khách sạn Casino The Sands. Khách sạn này không chỉ đón khách tham dự hội chợ máy tính mà Sheldon Adelson còn tham vọng nhảy cả sang thị trường khách đến các sòng bạc ở Las Vegas.
Ngay lập tức, ông cho san bằng toàn bộ khu Sands và đầu tư 1,5 tỉ USD xây dựng nên Venetian hiện đại, xa hoa, sang trọng bậc nhất, với lối kiến trúc độc đáo, được đánh giá là một trong những hệ thống khách sạn tốt nhất thế giới. Sòng bạc của Sheldon Adelson thành công nhờ vào những tiện ích, dịch vụ mà ông dành cho khách hàng.
Đến năm 1999, ông tiếp tục biến vùng đầm lầy của Macau tại dải Cotai trở thành một thành phố nghỉ dưỡng phức hợp lớn nhất thế giới và hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Ông cũng là một trong 2 doanh nhân người Mỹ được chính phủ Trung Quốc cấp giấy phép kinh doanh sòng bài.
Tháng 12/2004, Sands của Adelson lần đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng. Mặc dù cuộc suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu Sands lúc mới IPO, nhưng sau đó chúng đã nhanh chóng tăng giá trị.
Năm 2006, ông đã biến vịnh Marina của Singapore từ khi chưa có đất trở thành một trong những biểu tượng mới của châu Á với con thuyền lơ lửng trên 3 tòa tháp khổng lồ cao 57 tầng. Năm 2007, ông sáng lập tờ báo của riêng mình mang tên Israel Hayom hay còn gọi là Israel Today.
Triết lý kinh doanh của một kẻ đợi xe bus
Sheldon Adelson từng vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 với khối tài sản 26 tỷ USD và biệt danh “vua sòng bài”.
Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi giờ ông thu về lợi nhuận gần 1 triệu USD nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Mỹ) đến Macau (Châu Á). Tốc độ làm giàu này chưa tỉ phú nào đạt được.
Còn theo số liệu thống kê mới nhất của Forbes tính đến tháng 10/2016, tài sản của vị tỷ phú 83 tuổi hiện nay là 31,3 tỷ USD. Ông xếp thứ 14 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Sheldon Adelson chia sẻ triết lý kinh doanh của mình: Đó là tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới mà chưa một ai làm và cố gắng làm mọi việc khác biệt nhất có thể.
Với vị tỷ phú này, cơ hội kinh doanh như những chuyến xe bus, đến và đi. Bạn đứng chờ ở góc phố và không biết chính xác khi nào chuyến xe đầu tiên sẽ đến.
Nếu không lên kịp chuyến thứ nhất, hãy đợi thêm mười phút để đón chuyến xe thứ hai hoặc thứ ba… Cơ hội kinh doanh chẳng bao giờ hết cả!
“Tôi không thể nói rằng, chúng tôi không hạnh phúc nếu không có tiền. Nhưng lý do để kiếm tiền là vì tôi tin rằng để hạnh phúc phải làm những người khác hạnh phúc. Triết lý dùng tiền của tôi là giúp những người không thể tự giúp mình” – Ông vua sòng bài chia sẻ về triết lý làm giàu của mình.