Đó là nhận định của TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam – CHLB Đức) trong bài góp ý cho Văn kiện Đại hội Đảng XIII về lĩnh vực giáo dục.
Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu góp ý này của TS Nguyễn Văn Cường:
Khái niệm triết lý giáo dục
Triết lý giáo dục là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hệ thống giáo dục quốc gia cũng như là cơ sở cho hành động giáo dục và đánh giá của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động thực tiễn giáo dục.
Có những cách hiểu khác nhau về khái niệm triết lý giáo dục. Theo nghĩa hẹp, triết lý giáo dục có thể là một câu nói, một phát biểu ngắn gọn mang tính khái quát cao về giáo dục. Khái niệm triết lý giáo dục được đề cập ở đây là hệ thống các quan điểm lý thuyết từ kết quả nghiên cứu của triết học giáo dục.
Triết học giáo dục nghiên cứu lý thuyết khoa học với tính khái quát cao về các câu hỏi nền tảng, các vấn đề then chốt và những xung đột trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo con người. Phạm vi nội dung nghiên cứu của triết học giáo dục do vậy rất rộng, bao gồm những triết lý về mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục…
Nghiên cứu triết học giáo dục không nhất thiết giới hạn trong phạm vi một lĩnh vực nghiên cứu của triết học mà bao gồm cả các nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khoa học giáo dục khác nhau. Nghiên cứu về triết lý giáo dục là nội dung quan trọng của nghiên cứu giáo dục.
Câu hỏi đặt ra là triết lý giáo dục có tính phổ quát hay có phải mỗi nước cần có một triết lý giáo dục riêng?
Với tư cách là lý thuyết khoa học với tính khái quát cao, những tư tưởng triết lý giáo dục có tính phổ quát, có thể áp dụng một cách phù hợp cho các hệ thống giáo dục với những điều kiện khác nhau. Với những cách tiếp cận khác nhau, có nhiều trào lưu, trường phái triết lý giáo dục khác nhau đồng thời tồn tại, không phải chỉ có một triết lý giáo dục duy nhất. Mặt khác, cũng có những triết lý giáo dục gắn với những vấn đề của một quốc gia, phù hợp với bối cảnh cụ thể của quốc gia đó.
Với tư cách là một hệ thống lý thuyết khoa học, triết lý giáo dục không thể gói gọn toàn bộ trong một câu nói hay một phát biểu ngắn gọn. Mỗi một phát biểu ngắn gọn mang tính triết lý cũng chỉ phản ánh một phương diện nào đó của triết lý giáo dục.
Một số tư tưởng triết lý giáo dục phổ quát
Trong phạm vi quốc tế có nhiều trào lưu triết lý giáo dục có tính phổ quát cao được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia khác nhau. Sau đây là một số trào lưu triết lý giáo dục mang tính phổ quát cao ở bình diện mục tiêu đào tạo con người.
Triết lý khai sáng:Triết lí giáo dục hiện đại được coi là bắt đầu từ triết lí khai sáng ở thế kỉ 18, khởi nguồn từ châu Âu. Theo Immanuel Kant: ”Khai sáng là sự thoát ra khỏi sự chưa trưởng thành do tự mình gây ra của con người. Sự chưa trưởng thành là không có khả năng sử dụng trí tuệ của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác...” . “Hãy sử dụng trí tuệ của chính mình!” là lời kêu gọi từ triết lý khai sáng. Triết lí khai sáng quan niệm giáo dục có nhiệm vụ giúp con người chưa trưởng thành đạt đến sự trưởng thành.
Để trở nên trưởng thành con người cần được trang bị khả năng tự chủ, có khả năng tự quyết định và cùng quyết định, tinh thần đoàn kết, hành động có trách nhiệm. Khi con người được khai sáng, có khả năng hành động tự chủ thì cũng được giải phóng khỏi sự lệ thuộc của người chưa trưởng thành, trở thành con người tự do.
Giáo dục khai phóng là trào lưu tư tưởng giáo dục phát triển từ triết lý giáo dục khai sáng, nhấn mạnh mục tiêu đào tạo con người tự do, có khả năng hành động tự chủ. Triết lý giáo dục khai sáng được thừa nhận và vận dụng rộng rãi trong các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Triết lý nhân văn: Tư tưởng giáo dục nhân văn, nói chính xác hơn là tư tưởng giáo dục nhân văn mới được phát triển vào thế kỉ 19 dựa trên nền tảng của triết lí khai sáng. Wilhelm von Humboldt, nhà giáo dục người Đức là một đại diện của tư tưởng giáo dục nhân văn.
Tư tưởng giáo dục nhân văn quan niệm giáo dục có nhiệm vụ đào tạo con người phát triển toàn diện nhân cách. Học sinh cần được giáo dục phổ thông toàn diện trước khi được đào tạo về một nghề nghiệp cụ thể. Quá trình giáo dục được chia thành ba giai đoạn cơ bản, gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục đại học. Triết lí giáo dục nhân văn ngày nay trở thành triết lí có tính phổ quát trong phạm vi quốc tế.
Tư tưởng giáo dục định hướng cuộc sống:Từ cuối thế kỉ 20, sự phát triển của kinh tế và xã hội đòi hỏi giáo dục cần chuẩn bị tốt hơn cho con người vào cuộc sống. Bên cạnh mục tiêu giáo dục khai sáng và nhân văn, các nghiên cứu triết lý giáo dục đòi hỏi giáo dục cần đóng góp tốt hơn nữa vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhiệm vụ của giáo dục theo tư tưởng giáo dục định hướng cuộc sống là: giáo dục có nhiệm vụ chuẩn bị cho con người khả năng giải quyết các tình huống của cuộc sống. Định hướng phát triển năng lực chính là quan điểm giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu chuẩn bị cho con người khả năng giải quyết các tình huống của cuộc sống. Đây là xu hướng quốc tế từ cuối thế kỉ 20, đặc biệt từ sau 2000. Phát triển năng lực cần dựa trên cơ sở của giáo dục toàn diện, không được đối lập với tư tưởng giáo dục nhân văn.
Về triết lý giáo dục ở Việt Nam
Trong các thảo luận gần đây về giáo dục, chủ đề triết lý giáo dục được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam với những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Có những ý kiến đòi hỏi cần quy định triết lý giáo dục Việt Nam trong luật giáo dục hay trong chương trình giáo dục.
Ở đây cần làm rõ mối quan hệ giữa triết lý giáo dục và chính sách giáo dục.
Trước hết cần khẳng định triết lý giáo dục thuộc phạm vi nghiên cứu khoa học, có những quan điểm triết lý khác nhau và các tư tưởng triết lý giáo dục cũng biến đổi trong quá trình phát triển.
Triết lý giáo dục nói riêng cũng như các kiến thức lý thuyết về giáo dục nói chung là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định các chính sách cũng như phát triển chương trình giáo dục. Tuy nhiên, triết lý giáo dục không phải chính sách giáo dục. Trong các văn bản pháp lý và chính sách giáo dục cũng như chương trình giáo dục không quy định về triết lý giáo dục là phù hợp với thông lệ quốc tế phổ biến.
Mặt khác, phân tích các văn bản pháp lý nền tảng như luật giáo dục cũng như chương trình giáo dục đều thấy rõ những tư tưởng triết lý giáo dục được sử dụng trong đó.
Mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện được phát biểu thống nhất trong các văn bản về đường lối giáo dục của Việt Nam ngay từ sau năm 1945 cũng như được quy định trong Luật giáo dục năm 2019. Điều đó cho thấy triết lý giáo dục nhân văn đã được vận dụng và phát triển trong đường lối giáo dục Việt Nam ngay từ sau ngày thành lập nước đến nay.
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục quy định những quan điểm chỉ đạo về nguyên lý, mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục phù hợp với các tư tưởng triết lý và lý thuyết giáo dục tiến bộ và hiện đại. Đặc biệt, định hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học phù hợp với xu hướng quốc tế về tư tưởng giáo dục định hướng cuộc sống, phát triển năng lực người học của giáo dục Việt Nam.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa thành công những quan điểm chỉ đạo của nghị quyết 29-NQ/TW với những tiếp cận hiện đại về phát triển chương trình đào tạo như định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp, giáo dục STEM, chương trình giáo dục “mở”.
Những nghiên cứu về triết lý giáo dục cũng được chú trọng trong những năm gần đây ở Việt Nam. Có những đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về triết lý giáo dục cũng như nhiều đề tài nghiên cứu triết lý giáo dục ở nhiều cơ sở nghiên cứu khác. Những nghiên cứu này đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng chiến lược, chính sách cũng như chương trình giáo dục.
Tuy nhiên vẫn cần nhiều hơn các nghiên cứu triết lý giáo dục về các vấn đề chung cũng như các vấn đề giáo dục gắn với các bối cảnh của Việt Nam.
Kết luận và khuyến nghị
Triết lý giáo dục với tư cách là hệ thống lý thuyết từ kết quả nghiên cứu triết học giáo là cơ sở quan trọng trong việc phát triển giáo dục từ việc xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình giáo dục cũng như trong hoạt động thực tiễn và đánh giá giáo dục.
Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu những tinh hoa của triết lý giáo dục trong phạm vi quốc tế trong việc phát triển hệ thống giáo dục với những tư tưởng giáo dục tiến bộ, hiện đại và đã có những thành tự đáng kể góp phần phát triển đất nước.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng phù hợp với các tư tưởng triết lý giáo dục tiến bộ và các quan điểm hiện đại về phát triển chương trình giáo dục từ kinh nghiệm quốc tế.
Trong việc phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo cần những nghiên cứu hệ thống, sâu sắc hơn về triết lý giáo dục. Trong đó cần bao gồm những nghiên cứu triết lý ở những bình diện khác nhau của giáo dục về mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục...
Các nghiên cứu triết lý giáo dục bao gồm các vấn đề chung, mang tính phổ quát, trong đó việc tìm hiểu toàn diện và sâu sắc hơn các tư tưởng triết lý giáo dục trong phạm vi quốc tế giúp việc vận dụng có hiệu quả vào việc phát triển giáo dục ở Việt Nam.
Các nghiên cứu triết lý giáo dục cần bao gồm các vấn đề gắn với bối cảnh thực tiễn riêng của Việt Nam, là cơ sở cho những quyết định, giải pháp phù hợp. Đồng thời, cần quan tâm đến những ảnh hưởng tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của truyền thống nho giáo trong giáo dục của Việt Nam tạo cơ sở cho việc phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng giáo dục truyền thống này.
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công trong thực tiễn giáo dục, cần có các chương trình bồi dưỡng phù hợp cho các tác giả sách giáo khoa, các cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó cần bao gồm những cơ sở về triết lý giáo dục gắn với mục tiêu đào tạo con người, chương trình giáo dục phổ thông, triết lý về nội dung và phương thức giáo dục.