Nguyên lý hướng dẫn các nhà giáo dục
GS.TS Trần Văn Đoàn (ĐH Quốc gia Đài Loan) cho rằng: Triết lý giáo dục là những nguyên lý hướng dẫn các nhà giáo dục phát triển năng lực sống vốn có trong mỗi người. Giáo dục là dạy, huấn luyện, giúp đỡ, hướng dẫn học sinh học rèn luyện kỹ năng sống, cách sử dụng kỹ thuật để sống, cũng như nhận thức được hoàn cảnh sống và năng lực của mình.
Cùng với đó, phát hiện khả năng trong mỗi người, để mỗi học sinh có thể biết và dùng khả năng của mình để tạo ra phương thế, công cụ, cũng như nhận thức mới khi phải đối diện với những thách thức trong cuộc sống.
Năng lực là cái lực, cái tài mà mỗi người đều có. Năng lực sống bao gồm nhận thức (cái tốt, cái nguy hại cho cuộc sống), kỹ thuật (chân, tay, sử dụng công cụ và suy tư), cũng như tạo ra và sử dụng công cụ. Năng lực gắn liền với kỹ năng, nên dễ học, nhưng cũng dễ quên. Năng lực bị tuổi tác, hoàn cảnh và nhất là nền giáo dục “què quặt” hạn chế hay làm thui chột.
Khả năng là cái lực tiềm ẩn trong mỗi người, cần phải được hun đúc, khám phá và áp dụng. Khả năng gần như “vô tận”, nên không bị hạn chế bởi tuổi tác, hoàn cảnh. Giáo dục giúp ta phát hiện và vun trồng khả năng.
Đề cập đến những nguyên lý sống bao gồm “sống còn”, “sống được” và “sống đẹp”, theo GS Trần Văn Đoàn: Sống còn là có được, luyện tập được năng lực (kỹ thuật), sử dụng công cụ để bảo vệ cuộc sống. Sống còn lâu dài đòi hỏi thêm việc học hỏi, học biết và phát huy khả năng biết tạo ra công cụ, kỹ thuật bảo vệ sinh mệnh khi phải đối phó với nguy cơ sống còn, cũng như đối phó với “tai bay vạ gió” đến từ thiên nhiên (thiên tai, hạn hán, sóng gió…), đến từ sinh vật, động vật (hổ, báo, rắn, rết, vi trùng…) và đến từ chính con người (cướp bóc, tàn sát, chiến tranh…);
Sống được là có đủ năng lực cũng như khả năng giữ gìn cuộc sống an bình, đầy đủ, thỏa mãn được những nhu yếu căn bản của con người (cơm, áo, gạo, tiền, chỗ cư ngụ, tình cảm…).
Sống đẹp là một cuộc sống làm ta thỏa mãn, hạnh phúc. Đó cũng là một cuộc sống lý tưởng cho mọi người. Một cuộc sống đẹp bao gồm: An bình, bảo đảm, lâu dài, vui thú, có ý nghĩa. Sống đẹp là sống theo lí tưởng chân thiện mỹ.
Tuổi học trò. Ảnh minh họa |
Yêu cầu với triết lý giáo dục
Đặt vấn đề triết lý giáo dục và cuộc sống, GS Trần Văn Đoàn cho rằng: Vì rút ra từ kinh nghiệm sống và vì sống trong một thế giới chung (thời đại 4G hay 5G, 6G), nhưng cũng khác biệt (Việt Nam vùng Đông Nam Á, xã hội nông dân), nên giáo dục Việt cùng lúc phải đối diện với truyền thống, địa phương và hiện đại.
Triết lý sống phải là triết lý giáo dục. Do vậy, nền giáo dục phải đa diện, đa nguyên và khai phóng, không cứng nhắc. GS Trần Văn Đoàn nhấn mạnh: Triết lý giáo dục bắt đầu với việc đào tạo năng lực sống còn: Vùng núi khác với vùng biển, xã hội nông khác với xã hội công, thời đại kĩ thuật khác với thời đại chân tay, và thế giới đa nguyên, đa dạng khác với thế giới đóng kín. Triết lý giáo dục phải chú trọng đến việc giúp mỗi học viên có được khả năng cần thiết trong một thế giới biến động và mở rộng, cũng như tiến bộ không ngừng của thế giới.
Cũng theo GS Trần Văn Đoàn, triết lý là tìm kiếm sự khôn ngoan, mà khôn ngoan bao gồm tri thức và thực hành. Triết lý hay là triết lý biết tìm ra vấn nạn và đưa ra những giải đáp hiệu quả lâu dài và cho toàn dân tộc hay nhân loại. Và do đó, nền triết lý này được trân trọng trong lịch sử lâu dài.
Do đó, triết lý giáo dục luôn phải đi tìm những sự khôn ngoan trong lịch sử và thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Vì vậy, triết lý giáo dục luôn phải khai phóng (mở rộng, tiếp nhận), lấy cuộc sống con người làm mục đích, coi con người như là trung tâm của cuộc sống.
“Từ đây, chúng ta hiểu triết lý giáo dục là sự đi tìm nguyên lý sống, dựa vào đó chúng ta xây dựng một hệ thống giáo dục giúp học viên có được năng lực và khả năng sống còn, sống được và sống đẹp” - GS Trần Văn Đoàn kết luận.
Nguyên lý giáo dục được đúc kết từ những kinh nghiệm sống lâu đời của nhiều thế hệ. Không có kinh nghiệm sống nào đầy đủ, nên để đối diện với cuộc sống khác, hay cuộc sống mới, cuộc sống hiện tại, giáo dục cần phải học tất cả những kinh nghiệm liên quan, để xây dựng nguyên lý giáo dục.
Trong thời đại thông tin, với những nền kinh tế luôn thay đổi và phát sinh mới, nguyên lý giáo dục bắt buộc phải giải được bài toán: Làm thế nào để học sinh có đủ năng lực (kỹ năng) để sống, phát triển khả năng để sống được và sống đẹp.
GS Trần Văn Đoàn