Vươn tới sự hài hòa, chứ không phải sự vâng lời
Theo quan điểm của người Nhật Bản, trước năm 7 tuổi, đứa trẻ trong sạch và thuần khiết, nó gần gũi với Chúa nhất, vô tội, nhân hậu và tốt bụng. Đó là ý tưởng cơ bản của toàn bộ triết lý giáo dục trẻ em của người Nhật. Ở cấp độ đại chúng, người Nhật đã và đang tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp của mỗi đứa trẻ.
Với niềm tin vào lòng tốt bẩm sinh của đứa trẻ, trong giáo dục, người Nhật vươn tới sự hài hòa, chứ không phải sự vâng lời. Người phương Tây luôn bối rối trước thái độ của người Nhật đối với trẻ em. Vào thế kỷ XVII, thương nhân người pháp Francoys Caron (1645) lần đầu tiên đến Nhật Bản đã thốt lên đầy kinh ngạc, ông viết: “Họ giáo dục con cái cẩn thận và nhẹ nhàng. Họ tin rằng, trẻ em chưa đủ lớn để hiểu, vì vậy nó cần được hướng dẫn một cách kiên nhẫn”.
“Những nội quy mà chúng ta đã quen hồi nhỏ như đừng ăn trong phòng, không nhảy trên đi văng, không ăn vặt trước lúc ăn, đi ngủ vào một thời gian nhất định... tất cả đều trở nên quá khắt khe trong bối cảnh các chuẩn mực của Nhật Bản, như thể chúng ta cố gắng biến con cái chúng ta thành người lớn khi chúng chưa sẵn sàng cho điều đó” - Svetlana Beletskaya kết luận
Khi đọc những dòng này vô tình bạn muốn tìm hiểu có đúng như vậy không hay là phóng đại. Trên cơ sở những nghiên cứu của mình, tôi có thể giải thích như sau: Thái độ đối với kỷ luật trong lịch sử nước Nhật đã thay đổi và có những thời kỳ, ví dụ, thời Minh Trị (1868 - 1926), quy tắc kiểm soát trong các gia đình Nhật Bản khá chặt chẽ. Người Nhật luôn có những quy tắc và hạn chế đối với trẻ em, đơn giản là họ tạo ra những điểm nhấn khác không quen thuộc với người phương Tây.
Trong giáo dục, người Nhật vươn tới sự hài hòa |
Những biểu hiện trong triết lý giáo dục
Đứa trẻ bẩm sinh không có khả năng làm điều xấu. Người Nhật tin rằng đứa trẻ có thể cư xử tồi tệ do thiếu thông tin và kém hiểu biết. Chỉ thế thôi. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng sau: Giáo viên tịch thu một viên đá của một đứa trẻ bốn tuổi mà cậu ta định dùng để ném một người bạn, và giải thích rằng viên đá có thể rơi trúng và làm bạn đau. Sau đó, thầy giáo bình tĩnh đặt lại viên đá vào lòng bàn tay của cậu bé tinh nghịch.
Khả năng của trẻ nhỏ bị hạn chế khi làm theo hướng dẫn của người khác. Nói cách khác, trước 6 - 7 tuổi, đứa trẻ quả là không thể nhận thức được các quy tắc, sự cấm đoán của người lớn, nó không thể hiểu được mối liên hệ giữa hành vi sai trái của nó và hình phạt của người lớn.
Những hạn chế trong thời thơ ấu khiến đứa trẻ về sau trở thành “người lớn bất hạnh”. Do đó, trẻ em Nhật Bản hoàn toàn tự do đi lại khắp khu vực trường mẫu giáo. Tiếng ồn phát ra từ sự hiếu động của trẻ là một đặc điểm cố hữu của bất kỳ cơ sở chăm sóc trẻ em nào. Điều thú vị là các cô giáo không những không làm dịu học sinh của họ, mà ngược lại, càng khuyến khích các cháu trở nên “hăng hái hơn”.
Thủ thuật này được lý giải bởi quan điểm triết học của các nhà giáo dục Nhật Bản, những người coi tiếng ồn và tính hiếu động là một biểu hiện tự nhiên của bản chất trẻ em. Nhiều giáo viên tại Nhật Bản nói với tôi rằng “điều quan trọng đối với trẻ em là có cơ hội xử sự phù hợp với lứa tuổi, cảm thấy mình là trẻ em”. Các bà mẹ Nhật Bản cũng tuân theo triết lý tương tự: Họ không bao giờ la mắng con cái vì chúng thích chạy nhảy và gây ồn ào, bởi vì “không chơi đùa và chạy nhảy thì không phải là trẻ em”.
Trẻ em Nhật Bản |
Kỷ luật con như thế nào
So với các bà mẹ phương Tây, các bà mẹ Nhật Bản không những ít dọa dẫm và trừng phạt con cái, mà còn nói năng nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là thuyết phục và khuyên nhủ.
Phụ nữ Nhật thường hay sử dụng tình cảm, họ tập trung vào các câu hỏi và “trao đổi bằng lời”, lưu ý đứa trẻ về hậu quả của hành động do mình gây ra. Họ thường nói với con: “Chắc con cũng không muốn bị đánh như con đã đánh bạn ấy”; “Ăn rau giúp con khỏe mạnh”, “Chủ cửa hàng làm việc rất nhiều để giữ cho các kệ này gọn gàng”...
Liên quan đến hình phạt thân thể, tại Nhật Bản, mối quan hệ “mẹ -con” thay đổi theo hướng “siết chặt” khi đứa bé lên 5 đến 6 tuổi. Người ta cho rằng ở tuổi này, đứa trẻ đã có thể hiểu các quy tắc và chuẩn mực trong gia đình, nó có thể hành động có trách nhiệm hơn. Thông thường, hình phạt thân thể được sử dụng trong các tình huống khi trẻ em tỏ ra thiếu tôn trọng đối với người lớn (ví dụ: Các trường hợp nói dối).
Không thể khẳng định rằng, trẻ em Nhật Bản hoàn toàn không biết hình phạt thân thể. Đòn roi có mặt trong cuộc sống của trẻ em nước này, mặc dù các em ít gặp hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Một số kết luận
Người Nhật tác động gián tiếp tới đứa trẻ (không trực tiếp nói “phải làm thế này hoặc không được làm thế”, mà là tác động thông qua tình huống). Họ chú ý tới sự gần gũi tình cảm với đứa trẻ.
Có thể ghi nhận tính đặc thù trong GD của Nhật Bản: “Mối quan hệ bố mẹ và con cái” phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi của đứa trẻ. Triết lý giáo dục đối với trẻ em vị thành niên hoàn toàn khác so với trẻ em ở độ tuổi tiểu học. Mặc dù vậy, các tác giả Nhật Bản muốn so sánh hệ thống giáo dục của họ với công việc của một người làm vườn khéo tay: Đứa trẻ, giống như một cây con, có những mầm mống phát triển tự nhiên và rất độc lập trong quá trình này.
Người Nhật biết cảm nhận thế giới trẻ thơ. Họ biết “bỏ qua” những hành động của đứa trẻ được coi là biểu hiện tự nhiên của tuổi thơ. Hơn nữa, hệ thống giáo dục của họ xa lạ với sự dung túng và dễ dãi. Tôi đồng ý rằng, trẻ em Nhật Bản có nhiều tự do hơn trẻ em của chúng ta. Tuy nhiên, những hạn chế và quy tắc cũng có mặt trong cuộc sống của trẻ em. Chúng dần dần được đưa vào “khẩu phần” trong cuộc sống của mỗi trẻ, nhờ đó trẻ nhỏ học được cách chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Đây chính là điểm mạnh của phương pháp giáo dục Nhật Bản.