Triển vọng từ mô hình thực nghiệm hướng nghiệp và tạo việc làm cho trẻ tự kỷ

GD&TĐ - Với mục tiêu thực nghiệm hướng nghiệp và tạo việc làm cho trẻ tự kỷ, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân đang dần trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bậc phụ huynh.

Trẻ tự kỷ tại Trung tâm Ngọc Ân có tiến bộ rõ rệt khi được giáo dục bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Trẻ tự kỷ tại Trung tâm Ngọc Ân có tiến bộ rõ rệt khi được giáo dục bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ tự kỷ

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cán bộ nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân tất bật đưa sản phẩm thực nghiệm hướng nghiệp của trẻ tự kỷ ở trung tâm đến siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân. Đến nay, các sản phẩm đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Là sáng lập viên của trung tâm cũng như một người mẹ có con bị rối loạn tự kỷ, chị Đào Thanh Hoàn cho biết, vấn đề can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự can thiệp đa hình thức, đa chuyên ngành. Ngoài kỹ năng chuyên ngành, giáo viên làm việc với trẻ tự kỷ cần có một trái tim ngập tràn tình yêu thương. 

Thấu hiểu nỗi khổ tâm và sự vất vả khi chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, chị Hoàn coi đó là động lực để thôi thúc ý tưởng  thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân với mong muốn tạo cho các con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, các trẻ khuyết tật nói chung có một môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, thực nghiệm hướng nghiệp và tạo việc làm. 

Với phương châm nhìn nhận mỗi trẻ khuyết tật như một "viên ngọc trời ban", Trung tâm Ngọc Ân là nơi mài giũa để những viên ngọc ấy sáng hơn và có thể trở thành những viên ngọc quý. Mô hình hoạt động của trung tâm là giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật. Trong đó bao gồm các hoạt động như: Sàng lọc, đánh giá phát triển; can thiệp sớm; giáo dục tiền tiểu học; hỗ trợ giáo dục hòa nhập và Thực nghiệm hướng nghiệp. 

"Các trẻ khuyết tật đến trung tâm được đánh giá mức độ phát triển. Nếu trẻ trong lứa tuổi can thiệp sớm sẽ tham gia vào chương trình can thiệp sớm tại đây. Với trẻ học hòa nhập có nhu cầu hỗ trợ, có thể lựa chọn hỗ trợ tại trường hòa nhập hoặc tại trung tâm. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được triển khai tại Trung tâm Ngọc Ân với một số nghề thủ công như: Làm tranh lụa, mỹ nghệ kim hoàn, làm oản nghệ thuật, thủ công sắp lễ… Từ đó đã giúp các em có thêm thu nhập với một công việc ổn định bằng chính sức lao động của mình nên ai cũng thấy vui mừng" - chị Đào Thanh Hoàn chia sẻ.

Trở thành một địa chỉ đáng tin cậy 

Trung tâm Ngọc Ân thực hiện các dịch vụ: Đánh giá, sàng lọc, can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phát triển; tư vấn, phổ biến kiến thức cho phụ huynh và cộng đồng về phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; tư vấn và thực nghiệm hướng nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho trẻ rối loạn phát triển và hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các nhiệm vụ can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ rối loạn phát triển.

Sản phẩm oản nghệ thuật của Trung tâm Ngọc Ân được trưng bày và bán tại siêu thị.
Sản phẩm oản nghệ thuật của Trung tâm Ngọc Ân được trưng bày và bán tại siêu thị.

Một phụ huynh có con đang học tại Trung tâm Ngọc Ân tâm sự: "Lúc phát hiện con mình bị mắc chứng rối loạn tự kỷ, gia đình tôi ai cũng lo lắng. Khi biết đến thông tin về Trung tâm Ngọc Ân nhận hỗ trợ, giáo dục cho đối tượng này, tôi đã đăng ký cho con đến đây học. Chỉ sau hơn một tháng, con đã có sự chuyển biến rõ rệt. Về nhà cháu đã chịu chơi với em hơn và còn tâm sự với bố mẹ về buổi học trên lớp cùng cô giáo. Tôi hi vọng, với lộ trình giáo dục và điều trị của các thầy cô tại đây, cháu sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng". 

TS Nguyễn Văn Hưng - chuyên gia thuộc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia cho biết, qua khảo sát trên địa bàn TP Hà Nội có rất ít cơ sở chính thống về giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Hiện nay, việc xin giấy cấp phép để mở mô hình giáo dục hướng nghiệp cho người khuyết tật cũng  không hề đơn giản. Bởi, giáo dục cho người khuyết tật là thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo; giáo dục nghề lại thuộc về Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội. 

"Trong khi thực hiện khảo sát cho một đề tài cấp Bộ về giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương và TP Hồ Chí Minh đã cho thấy, nhu cầu hướng nghiệp và học nghề của trẻ em, người khuyết tật là rất nhiều. Tuy nhiên, họ không có đủ thông tin để tiếp cận. Phụ huynh cũng không biết hướng nghiệp cho đối tượng trẻ khuyết tật là như thế nào. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội ở một số tỉnh vẫn có một vài nghề phù hợp với học sinh khuyết tật vận động, khiếm thính nhưng lại chưa có nghề nào phù hợp với trẻ tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ" , TS Nguyễn Văn Hưng thông tin.

TS Nguyễn Văn Hưng và GS.TS Nguyễn Ngọc Phú (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) tham dự lễ khai trường Trung tâm Ngọc Ân vào tháng 10/2020.
TS Nguyễn Văn Hưng và GS.TS Nguyễn Ngọc Phú (lần lượt thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) tham dự lễ khai trường Trung tâm Ngọc Ân vào tháng 10/2020. 

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh, khi thực hiện công tác nghiên cứu và giáo dục hướng nghiệp tại Trung tâm Ngọc Ân để cho ra một số sản phẩm bước đầu, khó khăn không nhỏ cũng chính là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Bằng sự nỗ lực của các thầy cô thông qua nhiều mối quan hệ, việc tiêu thụ sản phẩm của trẻ tự kỷ đã và đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Từ đó, ông kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành chính sách để hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp cho người khuyết tật, nhất là với trẻ tự kỷ. 

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho hay, Trung tâm Ngọc Ân là một cơ sở nghiên cứu và giáo dục cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng học tập. Trung tâm có đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo bài bản và phù hợp với yêu cầu công việc. Ngoài ra, ở đây còn có lực lượng cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành về y tế, giáo dục và phục hồi chức năng cho người khuyết tật. 

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (Số 51 Liền kề 6 - KĐT An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được thành lập theo Quyết định số 168-2020 ngày 3/9/2020 của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Ngày 21/9/2020, Trung tâm Ngọc Ân đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký số A-2282 với các hoạt động chính của trung tâm như nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học tâm lý, giáo dục vào lĩnh vực can thiệp sớm và hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển về thể chất, trí tuệ, năng lực học tập và những kỹ năng tự lập cơ bản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.