Bảo đảm quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ tự kỷ

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Ninh Thuận cho rằng, số trẻ em bị tự kỷ ngày càng gia tăng nhưng công tác giáo dục, chăm sóc, phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế. Cử tri kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng quan tâm hơn nữa với nhóm trẻ này, sớm xây dựng chính sách đặc thù đối với trẻ tự kỷ và hỗ trợ gia đình có trẻ tự kỷ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về công nhận tự kỷ là một dạng khuyết tật, Bộ GD&ĐT cho biết: Khoản 1 Điều 3 (Dạng tật và mức độ khuyết tật) của Luật người khuyết tật quy định có 6 dạng tật: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Ngoài ra, tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện đã xác định dạng tật rối loạn phổ tự kỷ và đưa vào trong nhóm dạng tật khuyết tật khác.

Về chính sách về giáo dục đối với trẻ tự kỷ và gia đình có trẻ tự kỷ: Bộ GD&ĐT xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành các văn bản về chính sách giáo dục đối với trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, như: 

Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật; Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật; Quyết định số 338/2018/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018 - 2020 của ngành Giáo dục. Các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ từng năm học đều có hướng dẫn về công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ;...

Hiện nay, trẻ khuyết tật được học tập theo phương thức giáo dục chuyên biệt, bán hòa nhập tại 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật và hơn 100 cơ sở chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật; được học theo phương thức giáo dục hòa nhập tại các trường mầm non, phổ thông trên cả nước. Các cơ sở giáo dục chuyên biệt can thiệp, giáo dục các dạng khuyết tật khác nhau, tiếp nhận giáo dục học sinh các các dạng tật, trong đó có cả trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Với sự nỗ lực cố gắng của ngành Giáo dục và cả xã hội, hiện nhiều địa phương thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục hòa nhập, giúp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Nhằm bảo đảm quyền được học tập của người khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ, Bộ GD&ĐT đang và sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan triển khai các giải pháp sau:

Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ, giám sát các địa phương trong việc thực hiện công tác giáo dục người khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các chính sách giáo dục trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Chỉ đạo các địa phương thành lập và phát triển trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đây là đầu mối cho công tác hỗ trợ, phát triển giáo dục hòa nhập của địa phương và can thiệp, dạy trẻ khuyết tật mà các trường học khác chưa đủ điều kiện đáp ứng cho học sinh đó học hòa nhập; đồng thời đẩy nhanh việc thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục hòa nhập. Đẩy mạnh công tác phát hiện sớm và can thiệp sớm. Quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập để hỗ trợ công tác giáo dục trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ rối loạn phổ tự kỷ đạt hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ