Triển vọng kinh tế Việt Nam

GD&TĐ - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong sáu tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016, và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia.

Triển vọng kinh tế Việt Nam

Triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất sáng

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, ông Eric Sidgwick (Giám đốc ADB tại Việt Nam) đã chia sẻ những đánh giá mới nhất của ADB về nền kinh tế Việt Nam: Mặc dù có sự sụt giảm sản lượng 8% của ngành khai thác mỏ và dầu khí, nền kinh tế Việt Nam đã giảm đáng kể so với kỳ vọng vào nửa đầu năm 2017. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế 6,3% vào năm 2017, theo mức tăng trưởng 6,5% năm 2018.

“Bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam”.

Những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12- 18 tháng tới.

Hướng đi lên của nền kinh tế

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, thặng dư thương mại đã giảm nhanh hơn kỳ vọng, do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Trong sáu tháng đầu năm, thặng dư thương mại đã thu hẹp chỉ còn khoảng 1,5% GDP, so với mức 8,1% trong sáu tháng đầu năm 2016.

Sản lượng khai thác khoáng sản được dự báo sẽ khôi phục nhẹ, sau khi tốc độ sụt giảm sản lượng khoáng sản và dầu thô xuống mức thấp nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Các chỉ số kinh tế khác cũng được dự báo sẽ mạnh lên trong năm sau.

Trong khi đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng tiếp tục đi theo xu hướng gia tăng. Các đơn hàng mới đã tăng liên tục từ tháng 12/2015 cho thấy điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đã cải thiện.

Đơn hàng tồn đọng tăng lên vào tháng 7, với tốc độ cao nhất trong 6 năm trở lại đây, trong khi lượng hàng tồn kho thành phẩm giảm xuống, cho thấy các doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng trong những tháng tới.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình tín dụng thuận lợi hơn trong thời gian gần đây.

Nhận định rằng khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hiện tại. Với thủ tục visa thông thoáng hơn từ tháng 2/2017, cơ quan chức năng dự báo lượng khách du lịch vào Việt Nam sẽ đạt 15 triệu vào cuối năm 2017. Doanh thu ngành du lịch sẽ cải thiện hơn nữa khi Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC từ tháng 8 đến tháng 11/2017.

ADB cũng cho rằng xu hướng phục hồi của ngành nông nghiệp dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, với giả định là thời tiết tốt lên và nhu cầu xuất khẩu thuỷ hải sản hiện nay đang mạnh sẽ giữ vững trong những tháng tới. Tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 3% cho cả năm 2017.

Thêm vào đó, triển vọng tiêu dùng tư nhân vẫn ổn định nhờ việc làm trong khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh. Chi đầu tư công tăng tốc vào sáu tháng cuối năm cũng sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng đầu tư.

Tính đến cuối tháng 6/2017, mới chỉ 26% kế hoạch đầu tư được hoàn thành, nên các bên đang nỗ lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư công xây dựng cơ bản trong những tháng còn lại. Đầu tư tư nhân có triển vọng sáng sủa, số lượng công ty mới đăng ký từ tháng 1 đến tháng 8/2017 tăng 16,3%, cộng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào cao.

Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây, được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt.

Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế sẽ gia tăng áp lực lạm phát, bên cạnh thông báo mới đây về việc tăng lương tối thiểu 6,5% sẽ có hiệu lực vào năm 2018, sau khi đã tăng 7,0% trong năm 2017.

Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn so với dự báo ADB đưa ra vào hồi tháng 4.

Do tăng thu ngân sách cao hơn kỳ vọng, nên mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của Chính phủ nhìn chung là khả thi.

Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thu tiếp theo, và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi ngân sách cho tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác. Sau 3 năm giảm chi đầu tư, ngân sách 2017 quay trở lại chi cho đầu tư xây dựng cơ bản nhiều hơn và điều này sẽ giúp cho việc cấp thiết điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công.

Thành tích xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tiếp tục khả quan nhờ sự hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài mới và giá hàng hóa cải thiện. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng xuất khẩu.

Đồng thời, do nền kinh tế phải phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng hóa vốn và đầu vào trung gian để sản xuất nên kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục ở mức cao. Hệ quả là thậm dư cán cân vãng lai dự báo sẽ giảm xuống tương đương 1,0% GDP trong năm 2017 trước khi tăng trở lại lên 2,0% vào năm 2018.

Cả hai dự báo này đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4. Rủi ro khách quan chính đối với triển vọng này là tốc độ phục hồi kinh tế của các nền kinh tế phát triển tiếp tục mong manh. Rủi ro trong nước chính là khả năng Chính phủ quyết định kích thích tăng trưởng bằng việc nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khoá. Nợ công hiện nay đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP.

“Mặc dù hiệu quả thương mại được dự kiến tiếp tục duy trì, Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt, hoặc tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam”, ông Sidgwick nhận định.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong sáu tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016, và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia. Báo cáo của ADB cho rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ