Mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng và nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ?
Nêu một số khuyến nghị đáng chú ý, nhóm các nhà nghiên cứu (TS Nguyễn Đức Thành, TS Futoshi Yamauchi,TS Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Thị Tuyết Trinh, Nguyễn Thanh Tùng và Murashima Eiichi- Đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam) dẫn giải rằng việc điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu đã tăng lên ở mức cao trong thập kỷ qua.
Việc tăng lương tối thiểu có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động.
Thêm nữa, lương tối thiểu không phát huy vai trò hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội, cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày công có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động.
Trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thì mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh dựa trên một số nguyên tắc nhất định (rule-based), và do đó minh bạch hơn và dễ dự đoán được hơn.
Cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hoá tính toán các nhu cầu cơ bản); và các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế.
Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc rõ ràng sẽ làm tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.
Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế
"Ngoài sự tham gia của ba bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia (chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở trung ương, và đại diện của người lao động ở trung ương), Hội đồng nên có thêm sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Nhật Bản, Inđônêxia và Malaixia"- Nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định.
Ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật, dù không cần thiết phải thực hiện hàng năm. Điều quan trọng là phải theo dõi tác động của việc tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế để tránh việc tăng lương tối thiểu có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như sự dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức.
Bên cạnh đó, tính sẵn có của dữ liệu (điều tra lực lượng lao động và điều tra doanh nghiệp) rất quan trọng để xác định mức lương tối thiểu và giám sát tác động của mức lương tối thiểu. Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau.
"Đã đến lúc Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn.
Vì thế, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Có thể thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách sứ mệnh này, từ thay đổi tư duy (mindset changes) tới học tập và triển khai các mô hình tăng năng suất trên thế giới như của Nhật Bản, Singapore, Israel, v.v...
Điều này cần được thực hiện trong cả khu vực công cũng như khu vực tư. Đối với khu vực công, phát động và đẩy mạnh phong trào cải thiện năng suất cũng là đi liền với cải cách hành chính và xây dựng chính phủ kiến tạo"- TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) đưa ra nhận định.
-Giai đoạn 2004-2015: Lương danh nghĩa tăng 4,9 lần.
-Giai đoạn 2004-2015: Năng suất danh nghĩa tăng 4,05 lần.
-Lương thực trung bình tăng gấp đôi trong giai đoạn 2004-2015.
-Chi trả cho bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) tăng theo thời gian.