Triển lãm trưng bày hơn 300 tác phẩm với đủ các thể loại: sơn mài, sơn dầu, giấy dó, chất liệu tổng hợp... Đây là triển lãm tranh có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội và cũng là triển lãm lớn nhất của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Việt Nam.
Triển lãm tập trung hướng vào tinh thần truyền thống và hiện đại với mong muốn nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ. Đây là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng và thưởng thức những tác phẩm của 2 tác giả, đồng thời bảo tồn, quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính (ở giữa) và họa sĩ Lê Văn Thìn (bên phải) cùng người bạn Nga |
Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, đây là cuộc hội ngộ của 2 nghệ sĩ Việt và và các nghệ sĩ Matxcơva nhân dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 Nga.
Học giả Nguyễn Quang Bính cho rằng, xem triển lãm chúng ta có thể thấy hơi thở hiện đại của đời sống nghệ thuật châu Âu nhưng chúng ta cũng thấy những gì cổ điển của Việt Nam, sự tươi mát của tranh Đông Hồ.
Triển lãm này không phải là của riêng họa sĩ, với tôi là một nhân cách văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa, với một trách nhiệm nhân văn, với một thái độ và tầm thức, tri thức chân chính, có sự nghiêm trang về văn hóa của con người tri thức của thời đại.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính (thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh cùng khách mời tham dự triển lãm |
Họa sĩ Ngô Xuân Bính sinh năm 1957, ông được mọi người biết đến bởi vừa là võ sư, thầy thuốc, họa sĩ... Ngô Xuân Bính từng ghi dấu ấn trong giới hội họa nhờ những bức tranh sơn dầu với 2 lần triển lãm tranh ở Minxcơ, 3 triển lãm cá nhân ở Matxcơva và chinh phục được nhiều giải thường: giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva (năm 2006), giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng Hội họa trong tháng tại Triển lãm quốc tế lần thứ 2 ở Matxcơva (năm 2008)...
Tác phẩm của ông trong triển lãm lần này cho thấy đời sống tâm hồn phong phú của người nghệ sĩ. Những bức như: “Hớp hồn”, “Tiềm thức”, “Hoang dại”, “Bí ẩn”... cho thấy sự rung động đầy năng lượng đang trào ra mãnh liệt hay như tác phẩm “Lên đồng”, “Vân tranh” được lấy ý niệm tiềm ẩn về những câu chuyện huyền thoại trong kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam...
Cắt băng khai mạc triển lãm |
Họa sĩ Lê Văn Thìn sinh năm 1952, giảng viên trường Đại học Mở Hà Nội. Những bức họa ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đầy ắp trong những sáng tác gần đây của Lê Văn Thìn đã được họa sĩ Lý Trực Sơn nhận xét: “Bây giờ anh đang có loạt tranh sơn mài dùng vỏ trứng vỏ sò làm chất liệu chính.Tôi đã đặt tên cho loạt tranh vỏ trứng vỏ sò của Thìn là “sơn mài trắng”. Tôi không muốn diễn tả chúng nhiều vì tin rằng giữa tranh của anh và người xem sẽ có một cuộc đối thoại thú vị”.