Triển lãm nghệ thuật “Khi mờ khi tỏ”: Thông điệp về yêu thương, tôn trọng

GD&TĐ - Ngày 22/3, Trường Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) đã phối hợp với Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) tổ chức triển lãm nghệ thuật mang tên “Khi mờ khi tỏ”.

Nghệ sĩ Đinh Thảo Linh tư vấn nghệ thuật của triển lãm chia sẻ tại chương trình.
Nghệ sĩ Đinh Thảo Linh tư vấn nghệ thuật của triển lãm chia sẻ tại chương trình.

Đây là triển lãm nghệ thuật về chủ đề bạo lực giới lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ một trường học dành cho cán bộ, giảng viên, người học của Đại học Thái Nguyên nói riêng, những người quan tâm nói chung.

Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường đại học ở Việt Nam”, với mục tiêu nâng cao nhận thức về sự tồn tại, các biểu hiện của bạo lực đối với tất cả mọi người, tập trung vào bạo lực giới và biểu hiện của bạo lực giới trong văn hóa quấy rối.

PGS.TS Nguyễn Khánh Doanh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: “Việc tổ chức một triển lãm nghệ thuật là cách làm mới, sáng tạo để nâng cao nhận thức trong phòng chống bạo lực giới trong học đường. Đại học Thái Nguyên rất vinh dự khi được phối hợp với CEPEW và các nghệ sĩ tổ chức nên một triển lãm đặc sắc, thiết thực và ý nghĩa như vậy”.

Trao đổi tại chương trình, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc CEPEW đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Thái Nguyên trong công tác phòng chống bạo lực giới trong môi trường học tập, nỗ lực không chỉ dừng lại ở truyền thông mà còn trong cả hoạt động giáo dục, giảng dạy. “Hy vọng sau triển lãm nghệ thuật đặc sắc này, những cái mờ sẽ càng ngày càng tỏ hơn” - đại diện CEPEW bày tỏ mong muốn.

Đại diện lãnh đạo ĐH Thái Nguyên và trường Ngoại ngữ tham quan triển lãm.
Đại diện lãnh đạo ĐH Thái Nguyên và trường Ngoại ngữ tham quan triển lãm.

Chia sẻ về góc độ nghệ thuật, chị Đinh Thảo Linh, Tư vấn nghệ thuật của chương trình triển lãm cho biết: Những tác phẩm được trưng bày không nhằm mang đến góc nhìn vĩ mô, mà chỉ mang những rung động rất nhỏ từ cá nhân, những cảm giác đời thường, những xúc cảm gần gũi để chính những người đến triển lãm được trực tiếp tham gia vào câu chuyện của người nghệ sĩ, từ đó mang đến nhiều trải nghiệm, suy tư về bạo lực giới, từ đó lên tiếng và tham gia cuộc đối thoại về bạo lực, yêu thương, tôn trọng, tự do.

“Nghệ thuật vừa là chia sẻ, vừa là chiêm nghiệm, vừa là một định hướng nhỏ cho tương lai, vì thế những sản phẩm của các nghệ sĩ sẽ thực sự chạm đến được chính con người của những vị khách đến với triển lãm” - chị Linh chia sẻ.

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện, kết hợp giữa mỹ thuật - nhiếp ảnh - sắp đặt, với sự hiện diện trực tiếp của 11 nghệ sỹ. Chương trình sẽ diễn ra từ 22 - 30/3, tại khuôn viên trường Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ