Triển khai tư vấn tâm lý học đường: Nhà trường gặp khó

GD&TĐ - Công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường đối với học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục.

Thầy Nguyễn Đức Nam tư vấn cho học sinh ngay tại phòng làm việc của Hiệu trưởng.
Thầy Nguyễn Đức Nam tư vấn cho học sinh ngay tại phòng làm việc của Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác này tại Hải Phòng chưa được quan tâm đúng mực.

Thực trạng đáng lo ngại

Thời gian vừa qua, Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện An Lão) có tiếp nhận thông tin phản ánh trên mạng xã hội về việc học sinh Trần D.Ph (sinh năm 2007) học lớp 11B3 có quan hệ tình cảm với Nguyễn Th.L (sinh năm 2006). Theo phản ánh, em L hiện có thai và phát sinh mâu thuẫn với Ph. Vụ việc này dẫn đến gia đình bạn nữ nói trên ngăn cấm, đồng thời có đơn gửi UBND xã Mỹ Đức, An Lão đề nghị không cho Ph và L gặp nhau.

Theo thầy Ngô Hồng Tân - Hiệu trưởng nhà trường, nắm bắt được thông tin trên, nhà trường đã mời em Trân D.Ph và bà Trần Thị Thu H (mẹ Ph), giáo viên chủ nhiệm lớp 11B3 đến để xác minh. Qua bản tường trình. Ph và phụ huynh đã nhận thấy chuyện tình cảm ảnh hưởng đến học tập và hoàn cảnh gia đình hai bên nên có mong muốn chấm dứt mối quan hệ này. Theo phản ánh của gia đình, hiện nay Ph và em trai đã bị một số đối tượng đe dọa, đánh đập xuất phát từ vụ việc nêu trên, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần.

Qua buổi làm việc, nhà trường đề nghị phụ huynh học sinh Ph liên hệ với gia đình em L cùng bàn bạc và giải quyết. Bởi đây là mối quan hệ dân sự và L đã nghỉ học từ năm 2020. Đồng thời, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho Ph.

“Đây là vụ việc xảy ra trong phạm vi chức năng giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý học đường đối với học sinh. Qua đó, nhà trường đã tuyên truyền, giáo dục với học sinh Ph về những hệ lụy trong quan hệ tình dục vị thành niên và phân tích để phụ huynh cùng học sinh nhận thấy trách nhiệm trước hành vi vi phạm pháp luật nếu có”, thầy Tân cho hay.

Qua vụ việc trên, lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo cho rằng việc tăng cường phối hợp với phụ huynh, các cơ quan chức năng tư vấn tâm lý, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh là rất cần thiết. Vì thế, trường tiếp tục tuyên truyền giáo dục kiến thức, những quy định của pháp luật về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh toàn trường.

Theo thầy Ngô Hồng Tân, Trường THPT Trần Hưng Đạo còn thiếu phòng học nên chưa bố trí được phòng tư vấn tâm lý học đường mà chủ yếu sử dụng chung tại một số phòng chức năng khác. Dù hàng năm nhà trường cử cán bộ đi tập huấn nội dung này và có một phó hiệu trưởng phụ trách nhưng hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh của nhà trường vẫn chỉ dừng ở việc học sinh cần gì thầy cô hỗ trợ, nếu có vi phạm thì thầy cô sẽ tư vấn định hướng.

Nhà trường thường tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý cho học sinh theo các chủ đề và thường xuyên hàng ngày qua kênh giáo viên chủ nhiệm. Mặc dù Chương trình GDPT 2018 không còn tiết sinh hoạt lớp nhưng nhà trường vẫn bố trí mỗi tuần một tiết để giáo viên chủ nhiệm trao đổi thông tin, sinh hoạt cùng học trò để kịp thời nắm bắt các vấn đề liên quan đến học tập, tâm lý của học sinh. Riêng với trường hợp của học sinh Trần D.Ph nói trên, trực tiếp hiệu trưởng nhà trường trao đổi, tư vấn, phân tích và khuyên bảo em.

Thầy Tân cho rằng, nhà trường cần chú trọng hơn nữa trong việc bố trí cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi nếu thầy cô, nhà trường không nắm bắt, tư vấn kịp thời sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi học sinh quá ngưỡng chịu đựng.

Trường THCS Hoà Nghĩa chưa có phòng tư vấn tâm lý học đường.

Trường THCS Hoà Nghĩa chưa có phòng tư vấn tâm lý học đường.

Không thể xem nhẹ

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, toàn thành phố có gần 500 trường phổ thông. Hiện, hầu hết trường đều thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường. Nhận thức của lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong công tác tư vấn tâm lý học sinh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nhân lực chuyên sâu còn hạn chế mà chủ yếu là giáo viên kiêm nghiệm.

Thầy Tạ Xuân Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân) nhận xét, học sinh phổ thông đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý, nhận thức các vấn đề cuộc sống chưa đầy đủ nên công tác tư vấn học đường khá quan trọng. Khi thầy cô sớm phát hiện và tư vấn kịp thời giúp các em xử lý các nguy cơ chán học, bỏ học, bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật, tự hủy hoại bản thân… Tuy nhiên, hiện các trường đều chưa có biên chế, thù lao đối với người làm công tác tư vấn tâm lý học đường.

Trường THCS Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) có gần 1.000 học sinh. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Nam, ngày nay với sự phát triển tâm lý lứa tuổi và công nghệ thông tin nên việc giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý học đường cho các em càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường vẫn còn hạn chế.

Phân tích, nguyên nhân của thực trạng trên, thầy Nam cho rằng, một phần do học sinh ngại không chia sẻ với thầy cô, phần quan trọng là chính giáo viên không có kiến thức chuyên môn sâu để đồng hành cùng trò. Hằng năm, cán bộ, giáo viên nhà trường được đi bồi dưỡng chuyên môn về công tác này nhưng khóa học ngắn hạn chủ yếu là những kiến thức cơ bản. Để tư vấn chuyên sâu cho học sinh thì cần có cán bộ phụ trách, hiểu kiến thức và pháp luật. Vì thế, nhà trường mong muốn sớm có cán bộ chuyên trách làm công tác này.

Thầy Nam cho biết thêm, bản thân thầy có 15 năm kinh nghiệm làm hội thẩm nhân dân. Đáng nói, đã 2 lần thầy giáo ngồi trên “ghế nóng” xét xử chính học sinh của mình. Điều làm thầy trăn trở là làm sao để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh đạt hiệu quả. Trong khi chưa có giáo viên chuyên môn, thầy hiệu trưởng trực tiếp đi học bồi dưỡng và là thành viên tổ tư vấn, thường xuyên tư vấn tâm lý cho học sinh.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thị Bình An - Trường THCS Hòa Nghĩa cho hay, cô đang dạy học sinh lớp 9. Các em tập trung hoàn thành chương trình và dồn sức cho việc ôn thi lên lớp 10. Vì thế, bên cạnh việc phân luồng, giáo dục học sinh, cô rất quan tâm đến tâm lý của trò.

Không chỉ dạy, còn dỗ và giúp các em giải quyết những tình huống phát sinh với gia đình, bạn bè, giảm áp lực thi cử. Vì thế, theo cô An, việc có giáo viên tâm lý chuyên sâu rất tốt cho học trò nhưng mỗi giáo viên trong nhà trường cũng cần phát huy tính chủ động, tích cực để lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng học sinh trong hành trình lớn lên.

Thầy Phạm Quang Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Tân Thành (quận Dương Kinh) chia sẻ: Theo quy định nhà trường có phòng tư vấn tâm lý học đường. Với mong muốn công tác tư vấn cho học sinh được tốt hơn, nhà trường đã đôn đáo đi tìm giáo viên có chuyên môn trong lĩnh vực này nhưng không có. Vậy nên, tại các nhà trường người làm công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường vẫn chỉ là giáo viên kiêm nhiệm, không đi vào chiều sâu, hiệu quả còn mờ nhạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ