Triển khai thử nghiệm chương trình GDMN mới, bám sát yêu cầu đặt ra

GD&TĐ - Để thu thập các thông tin làm căn cứ cho việc xây dựng, hoàn thiện Chương trình GDMN mới, Ban biên soạn đã thử nghiệm tại 6 tỉnh, thành phố.

Triển khai thử nghiệm chương trình GDMN mới, bám sát yêu cầu đặt ra.
Triển khai thử nghiệm chương trình GDMN mới, bám sát yêu cầu đặt ra.

Yêu cầu đặt ra

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, Trưởng ban biên soạn Chương trình GDMN mới: Các tỉnh/thành phố được chọn tham gia thử nghiệm đảm bảo tính đa dạng của vùng miền là Tp Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nghệ An, Kon Tum, Ninh Bình và Thái Nguyên. Các trường mầm non tại các địa phương đều được chọn đảm bảo các tiêu chí đặc thù riêng.

Với những yêu cầu được đặt ra hết sức cụ thể: Trẻ em Nhà trẻ, Mẫu giáo đáp ứng như thế nào với Khung kết quả mong đợi trong Chương trình GDMN mới? Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng như thế nào với yêu cầu thực hiện một số điểm mới của Chương trình GDMN? Những nội dung nào của Chương trình GDMN mới cần sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn GDMN trong giai đoạn sắp tới?

TS. Vũ Thị Ngọc Minh - Trưởng phòng nghiên cứu chăm sóc và GD trẻ MN, TTNC GDMN, Viện KHGD Việt Nam, cho biết: Kết quả thử nghiệm sẽ giúp Ban biên soạn tiến hành điều chỉnh dự thảo Chương trình GDMN mới, rút bài học kinh nghiệm cho tổ chức triển khai thí điểm Chương trình GDMN trong thời gian tới. Để thực hiện, Chương trình đã tiến hành thử nghiệm các nội dung: Cụ thể hóa kết quả mong đợi trong Chương trình GDMN phù hợp với địa phương.

Bé tập làm bánh ở Trường MN Lai Thành, tỉnh Ninh Bình.

Bé tập làm bánh ở Trường MN Lai Thành, tỉnh Ninh Bình.

Cùng với đó là việc phát triển nội dung giáo dục dưới dạng chủ đề/ sự kiện hay dự án GD phù hợp với kinh nghiệm sống của trẻ và bối cảnh văn hoá của địa phương (còn gọi là địa phương hoá nội dung GD và phát triển hệ thống các chủ đề GD/ sự kiện hay dự án GD). Phát triển Chương trình/kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn (Chương trình/ kế hoạch GD nhà trường; kết quả mong đợi và nội dung GD).

Triển khai thử nghiệm

Thực hiện hoạt động GD trẻ trong các nhóm, lớp thử nghiệm để trẻ học qua chơi, trải nghiệm và tăng cường phương pháp chăm sóc – giáo dục đáp ứng trẻ (đổi mới phương pháp sư phạm của GV). Đánh giá sự phát triển của trẻ theo quá trình để hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục trong các nhóm, lớp thử nghiệm. Trong đó, nội dung (1) và (2) tập trung triển khai, giám sát và đánh giá kết quả ở kỳ 1, nội dung (3)(4) và (5) triển khai trong suốt quá trình thử nghiệm, nhưng giám sát và đánh giá kết quả ở kỳ 2.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên chính Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT: Trong số 6 tỉnh triển khai thử nghiệm, từng từng lại chọn 3 huyện/thành phố có tính đại diện cho khu vực thuận lợi và vùng khó khăn. Ở mỗi địa bàn huyện/TP chọn 2 trường có điều kiện tương đương (1 trường đối chứng và 1 trường thử nghiệm), trường thử nghiệm có trường công lập và trường ngoài công lập. Như vậy mỗi tỉnh/Tp có đủ 3 trường thử nghiệm bao gồm cả trường công lập và ngoài công lập.

Góc học tập của bé tại Trường MN Cầu Vồng, tỉnh Ninh Bình

Góc học tập của bé tại Trường MN Cầu Vồng, tỉnh Ninh Bình

Các trường được chọn thực nghiệm và đối chứng trong mỗi quận/ huyện về cơ bản có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, mỗi trường đều có ít nhất 1 nhóm Nhà trẻ, 1 lớp Mẫu giáo 3 - 4 tuổi, 1 lớp Mẫu giáo 4 -5 tuổi, 1 lớp Mẫu giáo 5- 6 tuổi. Theo yêu cầu về chọn mẫu, trẻ em tại lớp đối chứng, thực nghiệm bảo đảm đúng độ tuổi, trong đó, nhóm Nhà trẻ tối thiểu 15 trẻ; nhóm mẫu giáo 3-4 tuổi tối thiểu 20 trẻ; nhóm mẫu giáo 4-5 tuổi tối thiểu 20 trẻ; nhóm mẫu giáo 5-6 tuổi tối thiểu 25 trẻ.

Đội ngũ CBQL, GVMN đã tổ chức và triển khai các hoạt động giáo dục trẻ theo hướng chơi, trải nghiệm khi đã trao đổi, tư vấn để nắm vững yêu cầu thực hiện 05 nội dung mới của CT, vì thế kết quả thực hiện ở trường đều báo cáo với mức độ đáp ứng và vượt yêu cầu. Bước đầu, GVMN đã linh hoạt lựa chọn nội dung GD đáp ứng nhu cầu của trẻ, sáng tạo trong các phương pháp và hình thức tổ chức. Các nội dung mới được thử nghiệm phù hợp với các độ tuổi của trẻ, tuy thời gian ngắn, kết quả trên trẻ chưa thể hiện rõ nhưng nếu tiếp tục duy trì sẽ có kết quả tốt.

Ban soạn thảo Chương trình đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của địa phương. Các tỉnh đã cử đội ngũ CBQL, GVMN tham gia thử nghiệm gồm 2 cán bộ lãnh đạo của Sở GD&ĐT, 3 cán bộ quản lý giáo dục của 3 quận/ huyện là địa bàn thử nghiệm; 6 CBQL của 3 trường MN thử nghiệm và 24 giáo viên MN của 4 lớp được lựa chọn thử nghiệm của 3 trường; 6 CBQL của 3 trường MN đối chứng.

Đánh giá chung về việc thực hiện kế hoạch thử nghiệm đã cho thấy những giá trị tích cực. Qua báo cáo của Sở GD&ĐT các tỉnh, của 18 trường mầm non, các nhóm, lớp tham gia thử nghiệm và báo cáo của nhóm giảng viên hỗ trợ giám sát ở 6 tỉnh đều cho thấy: Các nội dung thử nghiệm chương trình mới về cơ bản phù hợp với trẻ em ở các độ tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ