(GD&TĐ) - Ngày 31/12 tại Hà Nội, Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 đã kết thúc sau 2 ngày làm việc.
>>>7 nhóm giải pháp phát triển KT-XH 2011
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận Hội nghị |
Hội nghị đã khái quát khá toàn diện, nhìn nhận kỹ càng tình hình và đóng góp được nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành triển khai nhiệm vụ phát triển năm 2011. Đây là những cơ sở quan trọng để Chính phủ ban hành một Nghị quyết điều hành nhất quán để chúng ta triển khai quyết liệt, trúng vấn đề ngay từ đầu năm.
Bên cạnh những thuận lợi, Thủ tướng nhận định: năm 2010 là năm chúng ta phải đương đầu, vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Cuộc khủng hoảng, suy thoái toàn cầu tác động rất lớn đối với nền kinh tế nước ta, thiên tai xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề, gần bằng 1% GDP, công tác quản lý cũng còn bộc lộ những tồn tại chậm được giải quyết.
“Điều đó càng làm đậm nét những nỗ lực, thành công của toàn Đảng, toàn dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển, hoàn thành tốt mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế và xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đó là những kết quả ấn tượng thể hiện trên một nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo các cân đối lớn, tăng trưởng GDP khá cao. Trong đó, công nghiệp tăng trưởng 2 con số, nông nghiệp thắng lợi toàn diện, dịch vụ tăng hơn 7%, đầu tư xã hội tiếp tục tăng mạnh, thể hiện niềm tin trong nước và quốc tế tin tưởng vào môi trường và cơ hội đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo vùng nghèo, người nghèo, đối tượng chính sách được quan tâm, cải thiện lớn.
Vốn hỗ trợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh nhờ kết quả của năng lực cạnh tranh quốc gia được tăng cao, ổn định và thắng lợi về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đưa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Thủ tướng khẳng định, những thành tích ấn tượng này có đóng góp to lớn của các Bộ, các ngành, đặc biệt là từng địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, trên tinh thần “không tô hồng, cũng không chủ quan”, người đứng đầu Chính phủ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rõ những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế xã hội, những bất cập trong công tác quản lý điều hành.
Trong đó, hai vấn đề nổi cộm được Hội nghị đồng thuận, quyết tâm tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là một số cán cân vĩ mô còn chưa ổn định, giá cả tăng cao, năng suất, hiệu quả nền kinh tế còn thấp, một số vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội còn nhiều điều nhức nhối; một số mặt trong công tác quản lý điều hành chưa đáp ứng tính kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, UBND các cấp sẽ nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung giải quyết, khắc phục hai thách thức này.
Bước sang kế hoạch năm 2011, năm bản lề của Kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ trên tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết trong sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt từ Trung ương tới cơ sở, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ sớm, đồng bộ ngay từ những ngày đầu năm, trong đó đưa được ra các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, từng lĩnh vực.
Thủ tướng chỉ đạo riêng đối với công tác thông tin, tuyên truyền là làm sao tạo tâm lý tin tưởng, không làm phân tâm người dân. Còn đối với ngành ngân hàng là “bằng công cụ lãi suất kéo giá cả xuống, chứ không nhìn vào giá cả để quy định lãi suất”.
“Đây là yếu tố quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thắng lợi đạt mức phấn đấu tăng trưởng cao 7,5%”, Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho công tác điều hành.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các nội dung ưu tiên thực hiện tiếp theo trong chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2011. Đó là việc nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng dự báo tình hình, để có “phản ứng chính sách” kịp thời, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế để quản lý, điều hành, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp để đất đai, khoáng sản, nhà đầu tư là động lực, là “của để dành” của đất nước; tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Ngọc Khánh