Triển khai nhiều nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho địa phương chuẩn bị thực hiện tốt Chương trình GDPT mới. Cần xác định các nội dung ưu tiên để đầu tư cho các địa phương bảo đảm đồng bộ nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai một số nhiệm vụ; cụ thể như sau:

Triển khai một số chương trình, dự án ODA nhằm hỗ trợ xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng trường, cung cấp thiết bị, đồ gỗ cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trung học cơ sở, trung học phổ thông các vùng khó khăn (như Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Chương trình phát triển các trường sư phạm, Dự án Phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2, Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2…).

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong giai đoạn 2017 - 2025, cụ thể: Tập trung kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập, thư viện…); mua sắm bổ sung bàn ghế, máy tính, thiết bị phòng học ngoại ngữ… cho các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ban hành Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/1/2019 hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT mới, trong đó xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án, trong đó ưu tiên Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; huy động các nguồn lực hợp phápkhác để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018. Nội dung đầu tư cho việc tăng cường cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên cho học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học, bắt đầu ở lớp 1 năm học 2020 - 2021; chuẩn bị kinh phí để triển khai bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT cũng đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn các địa phương xây dựng dự toán ngân sách và thực hiện thanh quyết toán kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự kiến sẽ ban hành trong quý II năm 2019. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ