Nguyên tắc chia lớp công khai
Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT và Thông tư số 13/2022/TT-BGD&ĐT, bậc THPT quy định:
Có 8 môn học/hoạt động bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Nội dung Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp).
Có 9 môn học (Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật), để học sinh được lựa chọn 4 môn trong 9 môn để đăng ký vào lớp 10. Mỗi một lựa chọn được gọi là một tổ hợp lựa chọn các môn học lựa chọn.
Có 3 cụm chuyên đề học tập (được cấu thành từ 12 môn, bao gồm 9 môn học để học sinh lựa chọn và 3 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Lịch sử) để học sinh lựa chọn.
Bản chất của chuyên đề học tập là giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế của mỗi nhà trường mà có xây dựng các chuyên đề học tập (do giáo viên bộ môn soạn) hay có tổ chức môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) hay không.
Như vậy, có thể thấy có 3 khối lớp 10 trong một trường THPT, gồm khối Khoa học xã hội, khối Khoa học tự nhiên và khối Khoa học Công nghệ và Nghệ thuật. Đây là các nhóm định hướng nghề nghiệp cho học sinh và cũng là định hướng khối thi vào các trường đại học sau này.
Do đó, nhà trường cần sớm công bố công khai tới học sinh và cha mẹ các em:
Số lớp 10 của toàn trường; số các khối lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp; số các tổ hợp lựa chọn và số lớp học ứng với mỗi tổ hợp; nội dung bảng đăng ký nguyện vọng 1,2,… của học sinh đăng ký vào lớp 10.
Ảnh minh họa/ITN |
Quy trình 4 bước để chia lớp
Có thể gợi ý quy trình 4 bước để chia lớp với khối 10 năm học 2022-2023 như sau:
Bước 1. Xác định số lớp 10 trong trường, sao cho mỗi lớp không quá 45 học sinh (và không dưới 30 em), dựa theo số lượng giáo viên hiện có, đặc biệt là số các giáo viên dạy các môn Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ. Tiến hành đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị và học liệu hiện có của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề học tập nhằm dạy học sâu hơn và làm tăng khả năng phân hóa khả năng học tập của học sinh.
Bước 2. Xác định số khối lớp theo định hướng nghề nghiệp và thế mạnh của từng trường; xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện hiện có của trường, lớp. Thông thường mỗi trường nên có 2 hoặc 3 khối lớp và có từ 3 tới 6 tổ hợp các môn học lựa chọn;
Bước 3. Tổ chức hội nghị tư vấn mở, dưới dạng ngày hội về lựa chọn khối, lựa chọn lớp cho học sinh và cha mẹ học sinh. Nhà trường cần phân tích sâu sắc các tổ hợp lựa chọn, những điểm đặc trưng của từng tổ hợp tự chọn có liên quan tới khối thi và học nghề sau khi các em tốt nghiệp THPT. Tại hội nghị tư vấn, nhà trường công bố, phân tích kết quả khảo sát, đánh giá sơ khảo khả năng từng học sinh so với yêu cầu của các tổ hợp môn lựa chọn hay các khối lớp 10. Nhấn mạnh tới thế mạnh của các khối lớp 10 có thể bao quát rất nhiều ngành nghề khác nhau để học sinh định hướng nghề nghiệp sau này.
Bước 4. Tổ chức cho học sinh ghi phiếu nguyện vọng vào học theo các tổ hợp môn học tự chọn; tập hợp kết quả ghi phiếu và xem xét điều chỉnh nguyện vọng; công bố danh sách học sinh các lớp khối 10.
Ảnh minh họa/ITN |
Những lưu ý quan trọng khi lựa chọn và chia lớp vào lớp 10.
Xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phải dựa trên thực trạng nhà trường về giáo viên, trang thiết bị, học liệu hiện có; dựa trên quy mô, thế mạnh dạy học của nhà trường; dựa trên tổ hợp các môn thi vào trường đại học hay những ngành nghề mới xuất hiện. Điều đó có nghĩa mỗi trường có thể đưa ra các phương án xây dựng các tổ hợp dạy học lựa chọn khác nhau để tối ưu việc chia lớp và phù hợp với tầm nhìn chiến lược nhà trường.
Chia lớp cần đáp ứng tối đa nguyện vọng được theo học các lớp lựa chọn của học sinh. Tuy nhiên, nguyện vọng phải được xem xét theo thứ tự ưu tiên, theo thời hạn về thời gian đăng ký và theo quy định hiện tại số lớp tự chọn theo tổ hợp của nhà trường. Vì thế không thể có một trường học nào có thể đáp ứng đầy đủ từng nguyện vọng lựa chọn lớp học của học sinh. Do đó, tập trung vào lựa chọn khối lớp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hay Khoa học công nghệ và Nghệ thuật. Nghĩa là bản chất học sinh chỉ phải quan tâm và lựa chọn 2 hay 3 khối lớp để theo học.
Học sinh, cha mẹ các em phải được tư vấn công khai, rộng rãi và để thỏa mãn mọi băn khoăn thắc mắc trước khi các em viết phiếu đăng ký lớp học lựa chọn. Mục đích để mọi người hiểu được về các môn học bắt buộc, tổ hợp môn lựa chọn và các chuyên đề học tập. Những điều chỉnh nguyện vọng của học sinh cần được nhà trường phân tích, giải thích chân thành, có tình có lý và học sinh thực sự thoải mái để sau đó tự thay đổi nguyện vọng lựa chọn cá nhân. Chính vì thế cần sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng thuận của học sinh và cha mẹ các em.
Hạn chế học sinh đã vào học một thời gian rồi lại xin đổi lớp học. Tuy nhiên không thể tuyệt đối hóa vấn đề này vì nhiều em chưa có thói quen xây dựng danh mục các ước mơ để định hướng ngành nghề hay thậm chí còn chưa biết môn học nào yêu thích, thế mạnh của mình mà chỉ là cảm tính, nghe theo bạn bè. Vì thế, việc thay đổi lớp học có thể phải diễn ra cho hết học kỳ I hoặc hết năm học lớp 10. Tuy nhiên cần nói rõ là học sinh phải học lại các môn do lớp học cũ và mới có những môn học lựa chọn khác nhau.
Thời điểm công bố việc chia lớp khối 10 càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ đầu kỳ II của lớp 9, trước khi các em ghi nguyện vọng dự thi vào các lớp 10. Bộ GD&ĐT cũng cần thông báo quy định về thi tốt nghiệp THPT sớm, theo thời gian trung hạn và dài hạn để nhà trường và học sinh có hướng xác định lớp học lựa chọn ở mỗi cơ sở giáo dục.