Triển khai đề án trường PTDTNT: Cần sự chủ động từ địa phương

Triển khai đề án trường PTDTNT: Cần sự chủ động từ địa phương

(GD&TĐ)-Sáng nay (20/3), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 phê duyệt đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2011- 2015. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đến dự, chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011- 2015 được phê duyệt với kinh phí hơn 4.153 tỷ đồng nhằm củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ cho miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Đề án sẽ củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT ở miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo các tỉnh, huyện có đông người dân tộc thiểu số, có nhu cầu và đủ điều kiện mở trường đều có trường PTDTNT, trung bình mỗi tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh, mỗi huyện có 1 trường PTDTNT huyện. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 30% số trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia…

Theo dự thảo hướng dẫn triển khai thực hiện đề án của Bộ GD&ĐT, về đầu tư xây dựng cơ bản, các địa phương rà soát danh mục theo Quyết định để lập kế hoạch xây dựng theo thứ tự ưu tiên. Trong năm 2012, tập trung ưu tiên xây dựng hoàn thành để đưa và sử dụng các hạng mục công trình bổ sung thiết yếu như phòng học, phòng học bộ môn, công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, các địa phương cần rà soát, kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, cùng với việc sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Các hạng mục xây dựng bổ sung của các trường PTDTNT sau khi hoàn thành cần phải được trang bị đủ các trang thiết bị theo danh mục tối thiểu để đưa các phòng học, phòng bộ môn vào khai thác sử dụng ngay…

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã thể hiện sự quyết tâm, cam kết của các địa phương trong việc triển khai các nội dung đề án; khẳng định ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn của đề án này đối với phát triển giáo dục nói riêng, phát triển nguồn nhân lực cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi nói chung…

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc triển khai đề án cũng được đề cập đến, trong đó, chủ yếu là nguồn kinh phí thực hiện chương trình. Ông Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho rằng, một trong những khó khăn là phần vốn đối ứng của tỉnh, dù quy định ngân sách của tỉnh tại đề án không lớn nhưng với một số tỉnh miền núi khó khăn, đây lại là vấn đề lớn, khó có khả năng cân đối. Bên cạnh đó, cũng theo ông Phạm Ngọc Thạch, vấn đề xã hội hóa đối với loại hình trường PTDTNT cũng ít tính khả thi; việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia vào thực hiện chương trình này cũng không phải dễ dàng…

Đồng quan điểm với Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai, theo ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, vốn đối ứng tập trung cho đề án này thì sẽ không còn vốn đầu tư cho những đề án khác như phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đề án trường chuyên… Bên cạnh đó, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia phân cho các địa phương e rằng không đủ triển khai. Vì vậy, ông Nguyễn Sỹ Thư đề nghị, cần có một nguồn kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với những tỉnh nghèo.

Cũng bàn về vấn đề kinh phí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Sơn Thị Ánh Hồng đề nghị, hàng năm, Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nên xem lại việc phân bổ nguồn vốn để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Nói về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, vai trò chủ động, sáng tạo của địa phương là vô cùng quan trọng, đồng thời kiến nghị Chính phủ thực hiện tỷ lệ hỗ trợ cho các địa phương trên cơ sở cân đối ngân sách của các tỉnh; giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ hỗ trợ này…

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Cũng khẳng định vai trò chủ động của địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trong kết luận hội nghị cho rằng, nâng cao chất lượng, ngoài việc đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, địa phương có vai trò rất quan trọng. Những vấn đề địa phương hoàn toàn chủ động như việc tuyển sinh, việc mở rộng quy mô như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế…

Vấn đề nhiều địa phương đề nghị bổ sung thêm các hạng mục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp nhưng trước mắt cần phải thực hiện các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án. Thứ trưởng đề nghị, trên cơ sở danh mục đã được phê duyệt đó, các địa phương rà soát lại và bố trí theo thứ tự ưu tiên, đầu tư có trọng tâm trọng điểm chứ không nên bố trí dàn trải. Với các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng yêu cầu cần chỉ đạo các trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào để nâng cao chất lượng các trường, phấn đấu đến năm 2015 có 30% trường PTDTNT đạt chuẩn.

Về cơ cấu phân bổ nguồn vốn, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ bàn lại với các bộ liên quan để phân bổ cho phù hợp với vùng miền, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong bố trí nguồn vốn.
 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.