Triển khai dạy học phù hợp với thực tiễn địa phương

GD&TĐ - Dù gặp khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, nhưng các trường đã triển khai dạy học linh hoạt để phù hợp với thực tiễn địa phương.

Các trường học linh hoạt triển khai chương trình dạy và học
Các trường học linh hoạt triển khai chương trình dạy và học

Khó khăn trong triển khai chương trình mới

Năm học 2022-2023, bên cạnh khối lớp 3 và lớp 7, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh phải chọn 4 trong 9 môn học tự chọn. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực và cơ sở vật chất không đồng bộ nên việc triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới gặp không ít khó khăn.

Tại trường THPT Phú Bình, huyện Phú Bình, năm học này, Nhà trường tuyển sinh 13 lớp với trên 580 học sinh lớp 10. Điểm mới trong chương trình dạy và học của năm nay đó là ngoài các môn học bắt buộc thì học sinh được quyền chọn một trong những môn trong tổ hợp tự chọn như Địa lý, Vật lý, Âm nhạc, Mỹ thuật…Những đổi mới căn bản này để học sinh có thể định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên những bất cập về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất khiến cho việc sắp xếp các môn học tự chọn tại Nhà trường gặp khó khăn.

Thầy giáo Dương Thanh Trọng, Hiệu trưởng trường THPT Phú Bình cho biết: Đối với 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật do Nhà trường nói riêng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh nói chung không có giáo viên dạy các môn học này, nên khi có học sinh đăng ký lựa chọn, Nhà trường sẽ phải báo cáo với Sở GD&ĐT có kế hoạch thuê giáo viên theo định mức khoán để đảm bảo nguồn nhân lực.

Tương tự như trường THPT Phú Bình, năm học 2022 - 2023 trường THPT Ngô Quyền tuyển sinh 450 học sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với trường là không thể sắp xếp được giáo viên giảng dạy ở các môn học tự chọn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng dân tộc, Ngoại ngữ 2…

Nhiều trường THPT chưa đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy các môn nghệ thuật

Nhiều trường THPT chưa đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy các môn nghệ thuật

Thầy giáo Phan Vũ Hào, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Các em học sinh sẽ đăng ký rất nhiều ở môn Âm nhạc và Mĩ thuật, bởi đây là 2 môn học giúp các em giải tỏa căng thẳng và thoải mái về tâm lý. Tuy nhiên, về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường trong những năm tới cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu về việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật, các bộ môn nhạc họa ở trong nhà trường".

Linh hoạt đảm bảo chất lượng dạy và học

Để khắc phục những khó khăn và đáp ứng nhu cầu dạy và học trong năm học này, các trường học đã triển khai linh hoạt và có những phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THPT Lương Ngọc Quyến chia sẻ: Năm học 2022 – 2023, Nhà trường có khoảng hơn 2000 học sinh, với 3 khối và 45 lớp, trong đó riêng khối 10 có 15 lớp. Trước khi diễn ra kỳ thi vào lớp 10 năm 2022, Nhà trường đã công khai phương án tuyển sinh và ngay sau khi có kết quả thi trường đã tiến hành tập trung các em để chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế cho học sinh, cũng như làm tốt công tác phân luồng sớm, định hướng và cho học sinh đăng ký chọn theo 3 tổ hợp (KHTN1; KHTN2 và KHXH) học tập nội quy, quy định của nhà trường.

Chính bởi vậy, dù còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng Nhà trường không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên hay khó khăn trong tổ chức các hoạt động dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường bố trí kế hoạch dạy học và thời khóa biểu hợp lý

Các trường bố trí kế hoạch dạy học và thời khóa biểu hợp lý

Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động liên hệ với Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng để hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên có đủ trình độ, bố trí kế hoạch dạy học và thời khóa biểu hợp lý. Ngành Giáo dục cũng tiếp tục thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức.

Đồng thời, rà soát, điều động sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh... Năm 2022, Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất nhu cầu đào tạo 20 giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật cho các trường THPT.

Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên thông tin: "Sở đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên lớp 10 dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018; yêu cầu các nhà trường xây dựng các tổ hợp bộ môn trên cơ sở điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường và thông báo công khai trong phương án tuyển sinh của nhà trường; đồng thời, tuyên truyền tới học sinh và cha mẹ học sinh để các em học sinh biết được và đăng ký tổ hợp môn học cho phù hợp".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ