Thái Nguyên: Áp dụng phương pháp dạy học tích cực ở bậc Mầm non

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi ngày càng được nâng cao, góp phần tạo môi trường học tập để trẻ phát triển toàn diện.

Chú trọng xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học sáng tạo, linh hoạt
Chú trọng xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học sáng tạo, linh hoạt

Tạo cảnh quan môi trường giáo dục xanh – sạch – đẹp

Từ các nguồn vốn khác nhau, ngành giáo dục Thái Nguyên đã tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trường, lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học, tạo cảnh quan môi trường giáo dục xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an toàn, thân thiện giúp trẻ có cơ hội được trải nghiệm, khám phá.

Cô giáo Bùi Lan Hạnh, Hiệu trưởng trường Mầm non Thắng Lợi, TP Sông Công cho biết: Năm 2021, Nhà trường được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng, gồm các hạng mục nhà lớp học hai tầng 10 phòng học, nhà hiệu bộ hai tầng, bếp ăn bán trú và các hạng mục phụ trợ khác.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với kinh phí hàng chục triệu đồng để lắp đặt trang thiết bị, xây dựng khu vui chơi ngoài trời cho trẻ. Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang đã giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, phụ huynh tin tưởng và ủng hộ, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp trong năm học này đạt 100%.

Còn tại trường Mầm non Hương Sen, phường Trung Thành, TP Thái Nguyên, cô giáo Trần Thị Tuyết Loan, Phó Hiệu trưởng trường Nhà trường thông tin: Để duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, trong năm học vừa qua, Nhà trường luôn quan tâm, xây dựng môi trường giáo dục sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn với nhiều giải pháp như: thường xuyên trang trí cảnh quan, khuôn viên trường lớp học, phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; duy trì, tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú… Nhờ đó, khi kết thúc năm học, 100% trẻ 5 tuổi đạt về chất lượng giáo dục.

Từng bước đưa giáo dục STEM vào trong dạy và học

Từng bước đưa giáo dục STEM vào trong dạy và học

Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực

Theo cô giáo Phó Thị Ngọc Lan, lớp mẫu giáo 5 tuổi A1, trường mầm non Hương Sen: Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng. Nhà trường đã tích cực tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng trình độ chuyên môn; khuyến khích giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm trong làm đồ dùng, đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới.

Nhận thấy vai trò của giáo dục STEM góp phần tạo hứng khởi cho trẻ mầm non trong mỗi bài học, mỗi hoạt động, thí nghiệm giúp các con nắm được quy trình thực hiện, thấy được sự thay đổi trạng thái, hình dáng, kích thước của sự vật hiện tượng…Do đó, Nhà trường đã và đang từng bước triển STEM trong dạy và học.

Với các hoạt động STEM, trẻ được thực hành, trải nghiệm, vận dụng những kiến thức đã học tạo ra được sản phẩm và những sản phẩm ấy lại quay lại phục vụ chính những hoạt động khác của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ được làm quen với số và các loại hình trong hoạt động “làm quen với toán”, trẻ không chỉ học trong hoạt động này mà giáo viên giúp trẻ học mọi nơi, mọi lúc thông qua việc thực hành các hoạt động khác, qua những khi trải nghiệm, khi làm ra các sản phẩm là hộp quà, bức tranh, con vật, đồ chơi, …

Tại trường Mầm non thực hành Cao đẳng Thái Nguyên, môi trường trong lớp học và ngoài lớp học luôn được Nhà trường quan tâm, chú trọng. Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Nông Thị Trang Nhung, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Năm học 2022 2023, Nhà trường có tổng số 326 trẻ, trong đó có 3 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 104 trẻ.

Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch với từng lứa tuổi, bố trí và phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên triển khai, thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối với trẻ mầm non 5 tuổi, Nhà trường ưu tiên triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm thông qua việc tạo nhiều hoạt động giáo dục phong phú, phù hợp để phát huy tính chủ động và sáng tạo của các con.

Trẻ đến trường vừa được vui chơi, học tập, thực hành và trải nghiệm
Trẻ đến trường vừa được vui chơi, học tập, thực hành và trải nghiệm

Tận dụng khuôn viên rộng rãi, Nhà trường luôn chú trọng đến xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học sáng tạo, linh hoạt nhằm tạo hứng thú cho trẻ. Tại đây, trẻ vừa được vui chơi, vừa học tập, thực hành và trải nghiệm các nội dung như: học toán, học chữ cái được tổ chức dưới hình thức vui chơi, tập tô, tập nặn…hay được tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, làm quen, thực hành các kỹ năng về bảo vệ môi trường, kỹ năng làm việc nhóm…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của phòng giáo dục T.P Thái Nguyên về công tác chuyển đổi số, đội ngũ giáo viên Nhà trường đã hoàn thành việc cài đặt ứng dụng Edu One hoặc ứng dụng VnEdu Connect, VnEdu Teacher trong công tác điều hành quản lý chung của trường, của lớp. Các giáo viên biết sử dụng tiện ích ứng dụng trong giảng dạy trực tuyến: Microsoft Team, Google Meet, Zoom…xây dựng video bài giảng về nội dung chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ phối hợp cùng phụ huynh để củng cố và nâng cao kiến thức cho học sinh, đặc biệt là trẻ 5 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.