Giảng dạy Chương trình, SGK mới: Kinh nghiệm từ giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã nêu bật những kinh nghiệm được rút ra từ thực tế giảng dạy SGK lớp 1 mới theo Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh;

Giờ học Toán theo SGK lớp 1 mới của cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Ảnh: Việt Hà
Giờ học Toán theo SGK lớp 1 mới của cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Ảnh: Việt Hà

Từ đó triển khai lựa chọn SGK mới lớp 2, 6 cùng các điều kiện bảo đảm việc đưa SGK mới vào giảng dạy ở lớp 1, 2, 6 trong năm học 2021 - 2022 đạt hiệu quả. 

- Ông có thể đánh giá những thuận lợi, khó khăn sau khi giảng dạy SGK mới với lớp 1?

- Cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị dạy học của tỉnh Lạng Sơn cơ bản đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và công tác dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1. Phần lớn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 có chuyên môn vững vàng, năng động nhiệt tình, tâm huyết với nghề, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh có sự quan tâm, đồng thuận trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đưa SGK mới theo Chương trình GDPT 2018 vào giảng dạy. 

Tuy nhiên, Lạng Sơn cũng có những khó khăn chung, như: Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa đồng đều. Một số  giáo viên, cán bộ quản lý còn ngại đổi mới, lúng túng trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Nhiều huyện còn có lớp 1 ghép với các trình độ khác. Điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường, điểm trường còn thiếu thốn. Tỉ lệ học sinh/lớp ở một số trường còn cao. Diện tích phòng học nhỏ, việc tổ chức các hoạt động dạy và học còn hạn chế. Nhiều trường còn chưa có phòng chức năng riêng.

Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn. Ảnh: Việt Hà
Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn. Ảnh: Việt Hà

- Từ thực tế giảng dạy SGK mới lớp 1, bài học được sở rút ra để đưa SGK mới lớp 2, lớp 6 vào giảng dạy trong năm học tới là gì?

- Sau một gần 1 năm triển khai, có thể thấy một số kinh nghiệm để thực hiện tốt việc triển khai chương trình lớp 2, lớp 6; Đó là: Các cấp quản lý Nhà nước về giáo dục phải chủ động trong chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo đồng thuận trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. 

Lựa chọn và phân công giáo viên dạy lớp 1 bảo đảm về số lượng, chất lượng và trình độ đào tạo; ưu tiên thầy, cô giáo chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có khả năng ứng dụng CNTT trong dạy học. Tổ chức tập huấn hiệu quả về sử dụng SGK mới, bồi dưỡng sinh hoạt chuyên môn về dạy học lớp 1 cho giáo viên với các nội dung thiết thực như: Xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học; Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học... Các cơ sở giáo dục cần phát huy tính chủ động, linh hoạt  trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục chương trình lớp 1 phù hợp với đặc điểm của nhà trường.

Về phía giáo viên, cần tích cực đổi mới; sử dụng có hiệu quả đồ dùng, thiết bị, ứng dụng CNTT trong việc khai thác tài liệu bổ trợ, sách mềm trong dạy học. Thầy cô cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Đặc biệt, linh hoạt trong việc điều chỉnh nội dung, thời lượng, dung lượng kiến thức bài dạy, thay đổi ngữ liệu phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế của địa phương. Nhà trường cần tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ thăm lớp; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc hướng dẫn, tư vấn phương pháp, kỹ năng dạy học SGK mới cho giáo viên lớp 1.

- Sở GD&ĐT đã triển khai hướng dẫn và tiến độ lựa chọn SGK mới lớp 2, 6 của các trường, phòng GD&ĐT như thế nào?

- Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã có hướng dẫn các đơn vị thực hiện lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Cụ thể: Với các cơ sở GDPT có cấp tiểu học, THCS, tiếp tục nghiên cứu, triển khai Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT; nghiên cứu online bản SGK mới lớp 2, lớp 6 trên website của các nhà xuất bản (NXB); triển khai họp tổ/nhóm chuyên môn thảo luận, đánh giá SGK, bỏ phiếu kín đề xuất lựa chọn SGK.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK sử dụng trên địa bàn tỉnh năm học 2021 - 2022, sở GD&ĐT sẽ thông báo đến các cơ sở GDPT, báo cáo Bộ GD&ĐT. Với việc tập huấn sử dụng SGK lớp 2, lớp 6, sở GD&ĐT phối hợp với các NXB xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình tập huấn cho từng môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 2, lớp 6 được tập huấn trước khi bước vào năm  học mới (thời gian tập huấn từ tháng 5 - 7/2021).

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ