Hà Nội: Sẵn sàng triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10

GD&TĐ - Ngày 13/3, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa lớp 10 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho tất cả giáo viên bộ môn trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Xuân Tiến chủ trì hội thảo tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ông Phạm Xuân Tiến chủ trì hội thảo tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận, nắm được cấu trúc, nội dung các sách giáo khoa mới, bảo đảm giới thiệu khách quan, trung thực, đầy đủ, làm cơ sở để thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn của các đơn vị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Sở GD&ĐT Hà Nội có ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Chí Bính - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Cường- Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản có sách giáo khoa giới thiệu.

Dự hội thảo tại các điểm cầu có các đồng chí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của 238 trường THPT trên toàn thành phố, cùng gần 12.000 giáo viên dạy các bộ môn của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tại điểm cầu các nhà xuất bản có các báo cáo viên là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả biên soạn các bộ sách giáo khoa lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với lãnh đạo cá nhà xuất bản về nội dung sách.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi với lãnh đạo cá nhà xuất bản về nội dung sách.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành GD-ĐT thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới theo lộ trình sách giáo khoa các lớp 3, 7, 10.

Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 10 cấp THPT sẽ gặp khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với đổi mới ở cấp tiểu học, THCS, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: Với cấp tiểu học và THCS thì là kiến thức cơ bản mang tính chất nền tảng, nhưng đối với cấp THPT mục tiêu là định hướng nghề nghiệp. Vì vậy việc lựa chọn các môn học là rất quan trọng.

Đại diện nhóm tác giả môn Giáo dục Quốc phòng An ninh lớp 10 trình bày về nội dung cuốn sách.
Đại diện nhóm tác giả môn Giáo dục Quốc phòng An ninh lớp 10 trình bày về nội dung cuốn sách.

Cụ thể, ở cấp THPT, học sinh sẽ có 5 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng An ninh và Giáo dục thể chất. Các môn còn lại, các em lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Việc học sinh lựa chọn các tổ hợp không đều nhau sẽ dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Do đó, cần nghiên cứu để có kế hoạch tuyển sinh phù hợp, sắp xếp lớp phù hợp với điều kiện của nhà trường nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong việc lựa chọn các môn học. Đây cũng là vấn đề các nhà trường cần quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018.

Tại hội nghị, các tác giả đưa ra ý tưởng của mình trong quá trình biên tập sách, các thầy cô ở các bộ môn sẽ lắng nghe để hiểu được ý tưởng của các tác giả trong quá trình xây dựng tài liệu ở các môn học. Sau hội thảo, các trường sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn giúp giáo viên nghiên cứu để lựa chọn sách sử dụng trong trường mình ở các môn học.

Nhóm tác giả môn Lịch sử lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam trình bày nội dung sách.
Nhóm tác giả môn Lịch sử lớp 10 của NXB Giáo dục Việt Nam trình bày nội dung sách.

Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung nghe các nhóm tác giả trình bày về nội dung các bộ sách, hiểu được ý tưởng của tác giả khi cung cấp kiến thức. Sau đó cùng trao đổi, thảo luận về nội dung, kiến thức, cách trình bày, kênh hình, kênh chữ ở các cuốn sách đó, lựa chọn xem cuốn sách nào phù hợp với trường mình, khu vực mình.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn các nhà xuất bản, các nhóm tác giả trình bày những vấn đề mang tính ý tưởng về nội dung cuốn sách đã biên soạn, logic các mạch kiến thức; trình bày chi tiết, định hướng cho các thầy cô các môn học về cuốn sách của mình; để sau buổi hôm nay, các nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo trao đổi để có thể lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất.

Đồng thời mong các nhà xuất bản cung cấp đầy đủ tài liệu, có thể bằng bản sách cụ thể, có thể bằng các đường link của các bộ sách mà các NXB đã số hóa để giúp các thầy cô có điều kiện nghiên cứu tiếp cận cụ thể, chi tiết, đầy đủ nhất, giúp cho việc trao đổi, thảo luận tại các nhà trường được tốt nhất.

Tính từ giữa tháng 2/2022 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Sở GD&ĐT ở nhiều địa phương tổ chức thành công các buổi giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, 7, 10. Tại các buổi hội thảo, các tác giả biên soạn đã chia sẻ thông tin về quá trình biên soạn sách, những điểm nổi bật của các bộ sách/cuốn sách giáo khoa với cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương.
NXB Giáo dục Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng các cơ sở giáo dục, các nhà trường trong việc tập huấn giáo viên cũng như trong suốt quá trình giáo viên, học sinh sử dụng SGK và thiết bị giáo dục. Theo kế hoạch đến cuối tháng 3/2022, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn thành việc giới thiệu SGK mới đến toàn bộ các tỉnh/thành trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.