Triển khai Chương trình mới lớp 10: Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn

GD&TĐ - Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với lớp 10, các trường THPT tại Thái Bình đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất (CSVC) để đón học sinh.

Giờ Tin học của học sinh Trường THPT An Lão.
Giờ Tin học của học sinh Trường THPT An Lão.

Nhiều khó khăn

Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có 1.897 học sinh và 76 giáo viên. Triển khai Chương trình GDPT 2018, trường còn thiếu giáo viên môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Quốc phòng An ninh. Ngoài ra, trường không thể đáp ứng được yêu cầu tất cả phòng học theo tiêu chuẩn.

Theo cô Đào Thị Tố Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, đổi mới, thay sách là điều tất yếu, nếu trường nào chưa chuẩn bị tốt điều kiện về đội ngũ nhân lực, CSVC thì rất khó khăn khi triển khai.

Trường THPT Nguyễn Trãi hiện tại không chỉ thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật mà cả giáo viên Quốc phòng An ninh. Nếu thực hiện phương án giáo viên môn Giáo dục Thể chất dạy Quốc phòng An ninh thì phần lý thuyết không thể dạy được, kể cả giáo viên được bồi dưỡng 6 tháng. Bởi vì kiến thức về Quốc phòng An ninh được cập nhật thường xuyên, đồng thời người dạy phải là người có đầu óc phân tích rất tốt cộng với định hướng chính trị rõ ràng. Những khó khăn này cần có thời gian để từng bước khắc phục.

“Trước đây, các em theo ban tự nhiên vẫn học các môn xã hội với số lượng tiết ít, ban xã hội cũng tương tự như vậy. Thế nhưng năm nay, nếu học sinh đổ dồn về một số môn nào đó dẫn đến việc thiếu giáo viên. Ví như môn Giáo dục công dân rất quan trọng trường lại chỉ có một giáo viên. Với gần 1.900 học sinh mà có một giáo viên Giáo dục công dân thì thầy cô sẽ dạy kiểu gì và sắp xếp như thế nào? Đó là thách thức rất lớn của Trường THPT Vũ Thư”, cô Hoa trao đổi.

Cô Đào Thị Tố Hoa cho biết thêm: Dự định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học tới của Trường THPT Nguyễn Trãi là 14 lớp với 630 học sinh, mỗi lớp 45 học sinh. Nếu các em chọn theo hướng 5 môn trong tổng số 3 tổ hợp sẽ dẫn đến nhiều bộ môn trong trường thừa giáo viên.

Tương tự tình trạng trên, Trường THPT Toàn Thắng (Tiên Lãng, Hải Phòng) có 1.057 học sinh, năm học tới số lượng tuyển sinh vào 10 của trường khoảng 400 học sinh. Khi triển khai Chương trình GDPT 2018 trường sẽ thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cố gắng khắc phục

Đứng trước khó khăn, thách thức khi thiếu một số giáo viên bộ môn mới, các trường THPT đã có phương án cụ thể rõ ràng để chủ động về đội ngũ nhân lực cho năm học mới.

Cô Đào Thị Tố Hoa cho biết: Tỉnh Thái Bình chưa có biên chế giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật cho các trường. Theo kế hoạch, sở GD&ĐT sẽ đào tạo bổ sung cho mỗi huyện 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật.

Trong bối cảnh chưa được tỉnh bổ sung giáo viên, năm học tới nếu được chấp nhận, trường có kế hoạch ký hợp đồng với giáo viên khối THCS môn Mỹ thuật, Âm nhạc nếu giáo viên đáp ứng được tiêu chuẩn. Với giáo viên môn Quốc phòng An ninh, trường sẽ mời nhân sự bên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vũ Thư để giảng dạy.

Ngoài chủ động về đội ngũ, thầy Đinh Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường THPT Toàn Thắng (Hải Phòng) còn giao cho giáo viên trong trường tư vấn định hướng các môn học cho học sinh trước khi vào lớp 10. “Nhà trường đã giao cho giáo viên từ nay đến cuối tháng 4 hoàn thành tư vấn định hướng môn học tại trường THCS. Giáo viên sinh sống tại xã nào thì tuyên truyền tại xã đó”, thầy Sửu cho biết.

Thầy Vũ Văn Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lão (Hải Phòng), chia sẻ: Khi tiếp cận Chương trình GDPT mới 2018 đã bộc lộ khó khăn, đòi hỏi nhận thức của giáo viên và học sinh đều thay đổi vì phương pháp hoàn toàn khác chương trình cũ.

Triển khai Chương trình GDPT mới, Trường THPT An Lão sẽ tận dụng những lợi thế của nhà trường: 40% trong tổng số 65 cán bộ, giáo viên trình độ trên chuẩn. Cán bộ, giáo viên có năng lực vững vàng, trách nhiệm cao, tâm huyết cùng với tinh thần sẵn sàng cho chương trình mới. Đó là thuận lợi từ nội lực, nhà trường sẽ phải phát huy triệt để. Ngoài ra, điểm đầu vào lớp 10 của trường thuộc tốp cao nên có thể tiếp cận Chương trình GDPT 2018 đúng mục tiêu, lộ trình.

Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang chống dịch và kết hợp dạy online, trực tiếp cho học sinh nên rất vất vả. Cô Vũ Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Chuẩn bị cho chương trình lớp 10 năm học tới phụ thuộc vào năng lực hiện có của nhà trường. Nếu cứ theo ý của học sinh chọn môn thì nhà trường rất khó có thể đáp ứng toàn diện, mà sẽ tư vấn định hướng cho học sinh theo những mặt mạnh, thế mạnh của trường.

Việc thiếu giáo viên môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Quốc phòng An ninh, CSVC thiếu thốn là tình trạng chung hiện nay. Tuy nhiên, để Chương trình GDPT 2018 được thực hiện hiệu quả, các trường chủ động biến những thuận lợi từ nguồn lực giáo viên, CSVC của nhà trường thành nền tảng vững chắc theo hướng chủ động, linh hoạt làm tiền đề thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018.

“Để chủ động trong năm học mới, Trường THPT Toàn Thắng sẽ tư vấn định hướng cho học sinh học công nghệ theo hướng công nghiệp do nhà trường có giáo viên trong lĩnh vực này. Trường cũng tính phương án phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Tiên Lãng để giải bài toán đội ngũ nhân lực môn Âm nhạc, Mỹ thuật”, thầy Đinh Văn Sửu cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.