Theo đó, các tổ, nhóm chuyên môn được Bộ GD&ĐT tập huấn các bước rà soát, tinh giản nội dung dạy học để thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT hiện hành đồng thời tổ chức dạy học phát triển năng lực học sinh theo chương trình mới. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp.
Trước hết, để tinh giản nội dung dạy học, giáo viên phải tiến hành rà soát theo chủ đề trong Chương trình giáo dục hiện hành, đối chiếu các nội dung, bài học trong SGK với các yêu cầu cần đạt của chủ đề trong chương trình; xác định những thông tin lạc hậu để bổ sung, cập nhật thông tin thay thế; loại bỏ những nội dung dạy học vượt quá yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình.
Thứ 2, việc xây dựng kế hoạch môn học là tích hợp nội dung kiến thức các bài liên quan thành bài học, chủ đề được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể. Dựa trên cơ sở các yêu cầu cần đạt của chủ đề đó trong chương trình, bổ sung, hoàn thiện yêu cầu cần đạt của bài học, chủ đề này để đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Bên cạnh đó, giáo viên xác định thời lượng bài học trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo tính logic của nội dung chương trình; xác định các hình thức tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với từng nội dung dạy học.
Thứ 3, xác định các nội dung đánh giá thường xuyên phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học, chủ đề theo các hình thức: hỏi-đáp, thuyết trình, viết ngắn, thực hành, sản phẩm học tập; hướng dẫn về nội dung, phương pháp, hình thức, tiêu chí đối với mỗi hình thức đánh giá thường xuyên dự kiến thực hiện trong bài học, chủ đề.
Thứ 4, việc xây dựng khung kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục được xây dựng theo khối lớp, được xây dựng thành bảng các bài học, chủ đề đã được xây dựng sau khi tinh giản nội dung và sắp xếp theo thời gian thực hiện.
Việc tinh giản nội dung dạy học nhằm mục đích rút ngắn thời gian dạy học, dành thời gian để đổi mới phương pháp giáo dục, tổ chức hoạt động học tích cực của học sinh, hướng tới phát triển phẩm chất năng lực.
Sau hai ngày tập huấn, các tổ nhóm chuyên môn đã xác định được các bước rà soát, tinh giản chương trình và đưa ra những ví dụ cụ thể về các bước thiết kế bài học sau tinh giản.
Qua phần trình bày của nhóm giáo viên tổ Lịch sử, Toán học, các đại biểu cho rằng, quy trình rà soát, tinh giản, xây dựng kế hoạch môn học rõ ràng, khoa học.
Tuy nhiên, một số giáo viên tỏ ra băn khoăn khi cho rằng việc xây dựng kế hoạch đối với các môn riêng biệt dễ dàng hơn các môn liên môn. Vì vậy, quy trình rà soát, tinh giản cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các thầy cô giáo.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đang đến rất gần, việc tinh giản nội dung, thời lượng đảm bảo để ứng dụng phương pháp giáo dục mới vào dạy học là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, hội nghị được nghe TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT, triển khai những đổi mới trong kiểm tra đánh giá.
TS Sái Công Hồng thông tin, Thông tư 58 sau 9 năm ra đời đã có nhiều hạn chế, một số nội dung không còn phù hợp. Việc đổi mới nội dung đánh giá được thể hiện qua việc kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học (trừ Mỹ thuật, Nhạc, Thể dục); đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá; giảm sổ đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên; giảm số đầu điểm đánh giá định kỳ; đánh giá môn Giáo dục công dân như đánh giá các môn học khác; tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng; thống nhất các quy định về đánh giá học sinh khuyết tật. Từ đó, lãnh đạo Vụ GD Trung học hướng dẫn giáo viên một số phương pháp, kỹ thuật kiểm tra đánh giá.
Sau hội nghị tập huấn, Bộ GD&ĐT sẽ có công văn gửi các Sở GD&ĐT yêu cầu các Sở tổ chức triển khai đến các trường THPT về việc rà soát, tinh giản chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học.