Tuy nhiên với sự linh hoạt thích ứng, thầy và trò đã về đích với chất lượng đáng khích lệ, để lại kinh nghiệm quý cho triển khai lớp 3 năm học tới.
Kết quả đáng khích lệ
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, cho biết: Triển khai CT GDPT 2018 với lớp 1, lớp 2 trong điều kiện dịch Covid, ngành đã không ngừng đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế.
Trước hết làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của ngành về định hướng đổi mới CT GDPT. Cùng đó, ngành Giáo dục luôn giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành triển khai hiệu quả CT GDPT 2018, đảm bảo tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ…
Không những thế, ngành GD tích cực phát huy kết quả các mô hình giáo dục như “Trường học mới”, “Trường học gắn với thực tiễn”; Nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng giáo viên. Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật triển khai chương trình mới đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt với trường vùng cao, vùng khó.
Trong dịch bệnh, ngành cũng triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số gắn với thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới; áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, công nghệ số vào dạy và học để giúp người học và người dạy phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động triển khai CT GDPT 2018.
Nhờ nỗ lực trên, kết thúc năm học, môn Tiếng Việt lớp 1 Lào Cai có 57,58% học sinh hoàn thành tốt, 39,54% hoàn thành, 2,88% chưa hoàn thành. Ở môn Toán lớp 1 có 64,00% học sinh hoàn thành tốt; 33,51% hoàn thành; 2,48% chưa hoàn thành. Với Tiếng Việt lớp 2 có 57,27% học sinh hoàn thành tốt; 41,76% hoàn thành; 1,02% chưa hoàn thành. Môn Toán lớp 2 có 63,29% học sinh hoàn thành tốt; 35,83% hoàn thành; 0,88% chưa hoàn thành...
Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), kết thúc năm học, 60% học sinh lớp 2 của cô Nguyễn Thị Ngọc Hà hoàn thành tốt, 40% hoàn thành. So với những năm học có dịch bệnh ảnh hưởng thì chất lượng năm học vừa qua không quá chênh lệch. “Cơ bản học sinh lớp 2 đã biết đọc viết, thành thạo một số kỹ năng và đặc biệt đã quen với học trực tuyến.
Có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, bố mẹ… nên việc học vẫn hiệu quả”. Chia sẻ điều này, cô Hà đồng thời cho rằng: Bước vào năm học mới sau khi chuyển giao học sinh, việc dặm lại kiến thức trước khi dạy chương trình mới giúp học sinh có tâm thế vững vàng là việc không thể bỏ qua.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), đánh giá khả quan về chất lượng dạy học khi triển khai CT GDPT mới với lớp 1, lớp 2 sau 1 năm dịch bệnh. “Tinh thần của CT GDPT được “thiết kế” hay, học sinh có điều kiện phát triển đầy đủ cả năng lực lẫn phẩm chất. Trong khó khăn trường vẫn linh hoạt các hình thức dạy học để học trò được học tập hiệu quả nhất…”, thầy Mạnh khẳng định và chia sẻ thêm: Ngay cả khi toàn trường phải tạm nghỉ vì dịch thì phần lớn các chương trình, kế hoạch dạy học năm qua vẫn triển khai đầy đủ, đúng kế hoạch. 8 hoạt động giáo dục lớn nhà trường lên kế hoạch được đưa tới học sinh dù học tại lớp hay ở nhà giúp các em phát triển toàn diện.
“Chất lượng, kết quả dạy học không bị ảnh hưởng quá nhiều trong bối cảnh dịch bệnh. 40% học sinh lớp 1, lớp 2 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, số còn lại hoàn thành. Tỷ lệ nhỏ chưa hoàn thành được nhà trường tiếp tục bồi dưỡng trong hè để đảm bảo các điều kiện lên lớp. Đây có thể xem như năm học thành công của toàn trường…”, thầy Mạnh trao đổi.
Tạo tiền đề cho lớp 3
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), cho rằng, việc triển khai CT GDPT 2018 với lớp 1, lớp 2 trong điều kiện không thuận lợi vẫn hiệu quả và thành công đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý để triển khai lớp 3 năm học tới.
Cụ thể, sách giáo khoa mới được thiết kế theo hướng mở, do đó trong công tác quản lý của ban giám hiệu, các tổ khối chuyên môn cần quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên nắm vững phương pháp, cách thức tổ chức, hình thức dạy học, nghiên cứu bài giảng, mục tiêu chương trình… mà mỗi khối lớp đặt ra. Trên cơ sở đó, giáo viên dù dạy trong bối cảnh nào (trực tuyến hay trực tiếp) đều có thể xây dựng kế hoạch, chương trình môn học phù hợp.
Cũng theo cô Hợi, năm học 2022 - 2023 khi triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc, nhà trường phải chuẩn bị chủ động, linh hoạt, làm sao đảm bảo đầy đủ các điều kiện để dạy và học. Vấn đề tập huấn giáo viên trước khi dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần hết sức quan tâm để có thể triển khai thuận lợi, chất lượng ngay từ đầu...
Kinh nghiệm để triển khai lớp 3 thành công với thầy Đào Chí Mạnh chính là nhà trường, giáo viên cần bám chắc vào mục tiêu chương trình. “Chương trình mới đã được thiết kế khoa học, “hay”, nhưng nếu giáo viên không “thấm” nhuần mục tiêu, yêu cầu, thiếu sáng tạo thì không thể dạy học thành công…”, thầy Mạnh trao đổi, đồng thời nhấn mạnh: Dạy học theo CT GDPT mới là phát triển năng lực phẩm chất bên cạnh phát triển kiến thức kỹ năng học sinh. Như vậy, thầy cô không chỉ dạy kiến thức trong sách vở, mà cần có phương pháp, chương trình dạy học giúp học sinh nâng cao năng lực. Các nhà trường, giáo viên cần triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới với một tinh thần mới, linh hoạt và chủ động trong kế hoạch dạy học bên cạnh khung “cứng” chương trình.