Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT), các phòng chức năng thuộc Sở; Lãnh đạo chuyên viên các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng và giáo viên Tiểu học lớp 1 vùng khó, giáo viên lớp 2 vùng thuần lợi.
Tại Hội nghị, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo đánh giá về công tác triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 đối với lớp 1, 2 của địa phương; phương án chuẩn bị cho triển khai Chương trình, sách giáo khoa lớp 3 năm học 2022 – 2023;
Đặc biệt đề cập tới việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học để 100% học sinh được học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018...
Sẵn sàng điều kiện triển khai
Theo Sở GD&ĐT Lào Cai, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 bên cạnh khó khăn đã đạt được những kết quả khả quan.
Về mạng lưới trường lớp, để chuẩn bị triển khai thực hiện CT GDPT 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tập trung giảm, xóa, gộp điểm trường, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng số học sinh ở trường chính, tăng số học sinh/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh, giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 182 trường, 3.500 lớp, 85.604 học sinh (so với năm học 2020-2021 tăng 2.046 học sinh). Đến nay cơ bản mạng lưới trường, lớp cơ bản hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, cơ bản đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Về cơ sở vật chất được tỉnh ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đảm bảo đủ phòng học 2 buổi/ngày; chỗ ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên; trường, lớp học sạch, đẹp từng, bước hiện đại từ vùng thấp, đến vùng cao, thôn, bản.
Về đội ngũ giáo viên, đã rà soát để sắp xếp, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo cân đối, hợp lý về số lượng, môn học gắn với từng vị trí việc làm. Xây dựng chính sách thu hút bổ sung nguồn giáo viên có chất lượng đối với các bộ môn Ngoại ngữ và Tin học… Đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng và cơ cấu bộ môn, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với trường ĐHSP Hà Nội 2, Học viện Quản lý Giáo dục trong việc rà soát, cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn các mô đun; đã tổ chức bồi dưỡng đại trà các modul 1,2,3,4,5 và 9 cho giáo viên các cấp học với sự tham gia trên 99% cán bộ quản lý, giáo viên.
Tổ chức cho 100% giáo viên dạy học lớp 1, lớp 2 được tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp (bộ sách, đầu sách do nhà trường đã chọn) bằng hình thức trực tuyến do nhà xuất bản tổ chức.
Chủ động mời các chuyên gia, các nhà quản lý (trong và nước ngoài), các giáo sư, tiến sĩ trong ban đổi mới chương trình giáo dục phổ thông giới thiệu về định hướng, nội dung đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học cho CBQL, giáo viên cốt cán; tập huấn một số nội dung giáo dục kĩ năng sống, hoạt động trải nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường tiểu học theo định hướng đổi mới.
Triển khai hiệu quả thời gian tới
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, ông Nguyễn Thế Dũng đã chỉ đạo một số nhiệm vụ chủ yếu trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với bậc Tiểu học thời gian tới:
Trước hết, sẽ phối hợp với các phòng ban liên quan tham mưu tích cực với UBND huyện đảm bảo các điều kiện về đội ngũ (đặc biệt đội ngũ GV Tin học, Tiếng Anh), cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học để tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ GD&ĐT đối với lớp 1, 2, 3 để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…
Thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối với cấp tiểu học theo giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tổ chức, phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình 2018 và sách giáo khoa lớp 3 và tập huấn nhắc lại đối với lớp 1,2.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân về Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, giáo viên dạy tốt.
Tăng cường thực hiện đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học. Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, chia sẻ với các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo CT GDPT 2018 ở lớp 1, 2 nhằm đánh giá công tác triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2; đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp để tiếp tục thực hiện Chương trình, sách giáo khoa các lớp tiếp theo trong thời gian tới.
Đồng thời đưa ra phương án triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 3 (cơ sở vật chất, sách, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đặc biệt đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học).