Ghi nhận từ thực tế
Cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổ trưởng khối 2, Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) trao đổi: Ngay sau khai giảng, trường triển khai dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày và tăng cường thời gian cho các môn chính như Tiếng Việt (12 tiết/tuần), Toán (6 tiết/tuần).
Do số tiết môn chính tăng hơn mà chỉ dạy học 1 buổi/ngày (để phòng, chống dịch) nên có sự bó hẹp về thời gian; mặt khác HS lớp 1 lên lớp 2 còn nhiều bỡ ngỡ nên bước vào tuần học thứ 3 hiệu quả dạy và học chưa như mong muốn.
Tuy nhiên, cô Hương cho rằng, kết quả dạy và học thời điểm này chưa nói lên điều gì. Bởi ở 2 tuần đầu HS bắt nhịp chậm nhưng sang tuần thứ 3 khi được học 2 buổi/ngày, GV có thêm thời gian rèn tại lớp, HS sẽ nhanh tiến bộ. Quan trọng lúc này là HS vui vẻ, phấn khởi trở lại trường lớp và học tập chăm chỉ. Đây là tiền đề để HS bứt tốc thời gian tới.
Trường Tiểu học Chũ (Lục Ngạn – Bắc Giang) triển khai dạy học trực tiếp. Sau 1 tuần làm quen và 1 tuần bước vào học kiến thức, cô Trần Thị Quyên – Hiệu trưởng nhận xét cơ bản HS đã bắt nhịp với học tập, tiếp thu nhanh, tự tin... So với cùng thời điểm năm ngoái, năm nay triển khai CT GDPT 2018 với HS lớp 1 khởi sắc và hiệu quả hơn.
Cô Quyên cho biết thêm: Trường “chạy” chương trình bình thường song để phòng dịch đầu tháng 10 sẽ họp tổ chuyên môn khối 1 và 2 rà soát lại chương trình, nội dung, tập trung tăng cường thời lượng môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh bên cạnh dạy xen kẽ môn phụ.
Đồng quan điểm, theo cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – GV lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), HS lớp 1 có tuần đầu triển khai nội dung làm quen, từ 13/9 bắt đầu học theo chương trình. Dù học trực tuyến nhưng đa số HS hào hứng học tập, tự tin, mạnh dạn tương tác với GV. GV chỉ cần hướng dẫn 1 - 2 lần, HS có thể thực hiện được thao tác, kĩ năng khi học trực tuyến. GV vẫn cho HS tập viết trên bảng và kiểm tra cho thấy đa số HS viết nét tốt, nắm được kiến thức, yêu cầu của GV…
“Với “đà” và nếp học hiện tại khi HS trở lại trường học trực tiếp GV có thể triển khai dạy tiếp mà không mất thời gian “dặm” lại kiến thức trong thời gian học trực tuyến…”- cô Hạnh trao đổi.
Dưới góc độ quan sát của quản lý nhà trường, cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh - Bắc Ninh) chia sẻ: Sau 2 tuần làm quen và học trực tuyến hiện HS khối 1, 2 đã trở lại trường học tập trực tiếp nhưng chia lớp làm đôi, học 2 ca sáng, chiều để bảo đảm giãn cách.
Qua khảo sát ban đầu với HS lớp 1 sau học trực tuyến còn tình trạng chưa cầm bút đúng cách, khoảng 40% HS thuộc bảng chữ cái… Đây là những lưu ý để GV nhà trường thời gian tới phải nỗ lực hết mình, chấp nhận vất vả, vừa dạy kiến thức mới vừa rèn lại cho HS kiến thức cũ ngay tại lớp.
Chia sẻ của chị Hà Hồng Gấm – phụ huynh HS Hoàng Thảo Nguyên, lớp 1 Trường Tiểu học Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội), con đã qua tuần làm quen và bước vào học kiến thức mới với cô giáo qua room khá trôi chảy.
Sau quá trình ngồi học cùng con, chị Hà Hồng Gấm nhận thấy: GV dạy khá nhẹ nhàng, phân bố thời gian phù hợp… nên kích thích và tạo hào hứng cho trẻ khi học tập. Gia đình hoàn toàn yên tâm với hình thức học trực tuyến ở thời điểm hiện tại.
Kinh nghiệm vượt khó
Cô Vũ Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng) khẳng định: Triển khai CT GDPT 2018 với HS lớp 1 và 2 dù ở phương thức trực tuyến hay trực tiếp vẫn đòi hỏi phải có sự đồng hành từ phụ huynh.
Chính vì vậy, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, GV hướng dẫn phụ huynh những kĩ năng trong việc dạy trẻ học tại nhà (hướng dẫn trẻ cầm bút, đọc, viết đúng cách). Mặt khác, nhờ phụ huynh quay và chụp lại bài viết, bài đọc của HS tại nhà gửi vào nhóm Zalo để GV nhận xét, uốn nắn những lỗi sai của HS…
Mặt khác, dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp phải tận dụng thời gian “vàng” trẻ học trực tiếp tại lớp để dạy các môn chính nhưng nhà trường vẫn dành thời gian triển khai tuần làm quen kĩ càng, tạo tâm thế, kĩ năngvững vàng cho HS trước khi học tập. Chính vì vậy, khi bước vào học chính HS đã có nền nếp, kĩ năng và bắt nhịp ngay với chương trình, là tiền đề để nhà trường tăng tốc ở những môn học chính…
Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (Yên Bái – Lào Cai) lại cho rằng, triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 1 và 2 đạt hiệu quả tại địa phương miền núi, khó khăn, đầu tiên phải ổn định và duy trì sĩ số HS. Hai tuần vừa qua tỉ lệ chuyên cần HS khối 1, 2 đều đạt trên 98% có ngày gần 100%. Mặt khác, dạy học hiệu quả đi liền với điều kiện SGK, vì vậy ngành đã sớm hoàn thiện các quy trình chọn SGK và đăng ký nên bảo đảm 100% HS khối lớp 1 - 2 có SGK học tập.
Đối với số HS đang “mắc kẹt” tại các địa phương khác (50 HS có cả HS lớp 1 - 2) có 30 HS đã học nhờ. 20 HS vì nhiều lý do chưa học “nhờ” được khi trở về địa phương, các trường sẽ huy động ra lớp và có trách nhiệm tổ chức dạy bù để bảo đảm đủ kiến thức, chương trình.