Dạy học lớp 1, lớp 2 sau 1 tháng triển khai: Linh hoạt theo diễn biến dịch

GD&TĐ - Sau 1 tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới với lớp 1, lớp 2 trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới hầu hết các địa phương đã cho thấy các nhà trường, GV đều chủ động vượt khó.

HS lớp 1 Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang) tăng cường tập viết tại lớp. Ảnh: NTCC
HS lớp 1 Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang) tăng cường tập viết tại lớp. Ảnh: NTCC

Tăng cường giải pháp

Thầy Dương Xuân Chính - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Sa Pa (thị xã Sa Pa, Lào Cai) cho biết: Nhà trường đang triển khai nội dung dạy học bình thường theo hướng dẫn chung bởi trường ở vùng không có dịch.

Thầy Dương Xuân Chính chia sẻ: Đã qua một năm triển khai CT GDPT mới với lớp 1, nên trường có cơ sở để rút ra kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học. Trước hết, trường tiến hành giãn cách thời gian dạy học phần âm và vần. Giúp HS có thêm thời gian để nắm chắc cách đọc và luyện tập trên lớp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GV.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đã đồng ý việc tổ chức dạy học ngày thứ 7 hằng tuần cấp tiểu học và THCS để đẩy nhanh tiến độ chương trình nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên trường cũng tăng cường thêm một số tiết chiều thứ 6 và sáng thứ 7. Như vậy, tốc độ dạy học lớp 1, 2 đang được đẩy nhanh và tập trung chính vào các môn Toán, Tiếng Việt giúp HS sớm đọc thông, viết thạo.

Cùng đó, tăng cường thiết bị dạy học, khai thác học liệu điện tử cho việc dạy học khối 1, 2. Cụ thể đã đầu tư đồng bộ thiết bị trong các lớp từ hệ thống mạng để đảm bảo kết nối đến việc lắp đặt đầy đủ máy chiếu, màn hình tivi.

Trường cũng chú trọng khâu tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho GV để tạo ra những bài giảng, tiết học phong phú. Hơn thế khi xảy ra tình huống phải dạy học trực tuyến, đội ngũ GV lớp 1, 2 đã có thể đáp ứng tốt yêu cầu.

Việc dạy học lớp 1 và 2 của Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư - Ninh Bình) cũng được cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng trao đổi: Dù ở “vùng xanh” nhưng trường luôn trong tâm thế dạy học chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh xảy ra, GV và HS có thể thích nghi ngay với dạy học trực tuyến.

Do đó, trường triển khai dạy học theo Công văn 3969 của Bộ GD&ĐT, tăng cường đẩy nhanh tiến độ dạy học khi HS tới trường để hoàn thành chương trình. Sau khi kết thúc chương trình nếu dịch bệnh ổn định, trường sẽ kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS để có kế hoạch bổ sung, bù lấp kiến thức cho những HS còn yếu.

Theo cô Đỗ Thị Mỹ, kinh nghiệm mà trường triển khai để đảm bảo dạy học lớp 1, 2 có hiệu quả trước mắt và khi dịch trở lại là phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. GV hướng dẫn phụ huynh kỹ càng việc hỗ trợ con học tại nhà đúng cách, hiệu quả. Giải thích cho phụ huynh hiểu thế nào là đạt yêu cầu nội dung kiến thức; tuyên truyền để phụ huynh thấy tầm quan trọng của học online, đôn đốc phụ huynh tạo điều kiện học trực tuyến tại nhà cho trẻ.

Tại Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang), cô Ngô Thị Thoan – Hiệu trưởng trao đổi kinh nghiệm nâng “chất” dạy học lớp 1, 2: Dù chọn 1 bộ sách giáo khoa (SGK) để giảng dạy chính nhưng trường vẫn yêu cầu GV chủ động khai thác, lựa chọn ngữ liệu phù hợp nhất của bộ SGK khác để đưa vào bài giảng. GV trong quá trình lựa chọn phải biết đồng nhất các nội dung, chủ đề cho phù hợp nhất. Từ đó hạn chế tối đa những tồn tại của bộ SGK đang được trường lựa chọn giảng dạy.

Trường cũng giới thiệu và khuyến khích phụ huynh tham khảo SGK bản mềm điện tử để nắm bắt tư tưởng, đổi mới, yêu cầu chung của lớp 1. Từ đó đồng hành cùng GV hỗ trợ trẻ học tại nhà thêm hiệu quả.

Cho HS lớp 1 làm quen máy tính để tạo tiền đề học trực tuyến thành thạo. Ảnh: NTCC
Cho HS lớp 1 làm quen máy tính để tạo tiền đề học trực tuyến thành thạo. Ảnh: NTCC

Đồng hành cùng giáo viên

Dạy học online hay trực tiếp ở lớp 1 và lớp 2 thời điểm hiện tại, việc ban giám hiệu, tổ chuyên môn đồng hành tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, động viên tinh thần GV trong quá trình dạy học là cần thiết và được các thầy cô khẳng định.

Tại Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang - Bắc Giang), Hiệu trưởng đã tận dụng thời gian “Chủ nhật xanh” để cùng tổ chuyên môn, GV trao đổi, soạn giáo án. Hiệu trưởng sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho GV khâu soạn giáo án, miễn sao giúp GV xây dựng bài giảng tốt cuốn hút HS và không để khó khăn tích tụ trong GV sau mỗi giờ lên lớp.

Cô Đỗ Thị Mỹ và thành viên trong ban giám hiệu cũng thường xuyên dự giờ các lớp 1, lớp 2 để hỗ trợ GV nắm được quy trình lên lớp, sắp xếp tích hợp bài giảng hợp lý đúng chủ đề…

“Dự thấy giờ dạy còn vấn đề cần trao đổi sẽ họp ngay để hội ý, rút kinh nghiệm, tháo gỡ chứ không đợi cuộc họp định kỳ. Khó khăn tới đâu, ban giám hiệu và GV cùng khắc phục tới đấy chứ không để tồn đọng…”, cô Mỹ thông tin.

Một trong những biện pháp để nâng cao hiệu quả dạy học lớp 1, lớp 2 trực tuyến được cô Nguyễn Thị Tuyết Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: Ban giám hiệu không yêu cầu GV dạy bám sát “khung”. GV có thể dạy linh hoạt theo bài và tùy trình độ tiếp thu HS để triển khai. Không tạo áp lực, căng thẳng trao quyền chủ động khi dạy học.

Mặt khác, từ khi triển khai CT GDPT mới ở lớp 1, 2 nhà trường đều họp với GV khối 1, khối 2 hàng tuần để trao đổi những vấn đề GV vướng mắc chuyên môn trong quá trình triển khai, về cơ sở dạy học trực tuyến.

Hiệu trưởng thường xuyên vào thăm lớp học trực tuyến khối 1, 2 để động viên cô trò học dạy học tốt. Trao quyền cho GV có thể dạy học theo nhiều phương pháp khác nhau miễn sao đích cuối là HS hiểu bài.

Hiệu trưởng cũng đồng thời tham gia trong tất cả các nhóm Zalo của phụ huynh lớp 1, lớp 2 và GV chủ nhiệm để nắm bắt, giải quyết những tâm tư, băn khoăn thắc mắc của gia đình, phụ huynh và GV.

Với sự đồng hành sát sao và tháo gỡ khó khăn nhanh nhất… nên sau 1 tháng triển khai dạy học lớp 1, lớp 2 theo CT GDPT mới với hình thức trực tuyến, nhà trường nhận được phản hồi khả quan.

Với Trường Tiểu học Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình – Thái Nguyên), cô Vũ Thị Thanh - Hiệu trưởng lại chia sẻ kinh nghiệm để dạy học lớp 1, lớp 2 hiệu quả đó là tăng cường thời gian và đẩy dạy các môn quan trọng Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lên trước. Các môn học phụ dạy sau.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.