Triển khai Chương trình mới lắm thách thức, nhiều khó khăn

GD&TĐ - Thực tế đòi hỏi cần tăng cường nguồn lực để lộ trình triển khai Chương trình mới đạt hiệu quả như kỳ vọng...

Học sinh Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) trong giờ học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) trong giờ học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: NTCC

Theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, nhất là tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường nguồn lực để lộ trình triển khai đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Thiếu nhân lực, vật lực, hiệu quả khó như kỳ vọng

Để thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn ĐBQH Yên Bái) nhìn nhận, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên theo đại biểu, vẫn còn khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng, nhất là ở tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu đoàn Yên Bái viện dẫn, việc các trường tổ chức dạy học theo tổ hợp lựa chọn không giống nhau, khiến học sinh gặp khó khăn khi chuyển trường do quy định phải có tổ hợp tương thích giữa trường mới và trường cũ. Số lượng giáo viên trên địa bàn vùng sâu, xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn thiếu nhiều so với định mức (đặc biệt giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật), trong khi nguồn tuyển khó khăn. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ việc dạy - học chưa đồng bộ, đầy đủ, gây khó cho nhà trường trong quá trình thực hiện.

Khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục, tuy nhiên đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn ĐBQH Bình Thuận) cho rằng, quá trình triển khai chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện rất rõ qua giám sát Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 55 của Quốc hội.

“Môn Hóa học, Vật lý, Tin học, để thực hiện các thiết bị thí nghiệm, tôi thấy còn nhiều khó khăn. Đối với vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thực trạng này càng khó. Điều này làm ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức bài học của học sinh”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh viện dẫn.

Theo đại biểu, thực tế giám sát ở các địa phương đã chỉ ra nhiều vướng mắc, nhất là về cơ sở vật chất đối với trường THCS, tiểu học. Theo đó, cơ sở vật chất trường học ở nhiều địa phương chưa được đáp ứng yêu cầu để phục vụ nhu cầu dạy - học của thầy, trò. Ngoài ra, trang thiết bị, dụng cụ còn thiếu.

Theo đại biểu, dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, tuy nhiên, đề án không có nguồn kinh phí để triển khai. Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ lâu, có diện tích phòng học nhỏ, không bảo đảm các quy trình, quy định về diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu; trong khi số học sinh ngày càng tăng.

Cùng đó, ngành Giáo dục các địa phương còn phải đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên từ cấp học mầm non đến THPT và tập trung nhiều nhất là giáo viên bộ môn: Tin học, Tiếng Anh, giáo viên dạy Tiếng Dân tộc thiểu số.

Lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, HG). Ảnh: NTCC

Lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, HG). Ảnh: NTCC

Tăng cường đầu tư nguồn lực

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh kiến nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, nhằm tạo điều kiện để các em học tập, các trường duy trì sĩ số học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nữ đại biểu đoàn Bình Thuận cũng đề xuất, Chính phủ có phương án bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu so với định mức. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ để giao biên chế giáo viên, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT theo lộ trình. Cùng đó, xem xét, sửa đổi tăng định mức giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, THCS, THPT cho phù hợp. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung quy định chuẩn về diện tích phòng học và định mức học sinh/lớp phù hợp với từng cấp học, vùng miền vì quy định cũ không còn phù hợp.

Từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, trước mắt để đáp ứng đủ giáo viên thì cho phép địa phương tuyển dụng giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh dạy cấp tiểu học có trình độ đào tạo đạt chuẩn như giai đoạn trước. Địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2030 đội ngũ này bảo đảm chuẩn theo quy định hiện hành.

Đại biểu đoàn Yên Bái cũng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, bảo đảm điều kiện, nguồn lực để các trường thực hiện chương trình.

“Bộ GD&ĐT cũng cần rà soát, bổ sung đủ các quy định, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai với mục tiêu hiệu quả, dễ thực hiện”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề xuất.

Ghi nhận nỗ lực lớn của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) nhấn mạnh, Bộ đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đại biểu cũng chia sẻ những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục nói chung gặp phải và khó có thể một mình giải quyết được; bởi đổi mới giáo dục mà người và tiền đều không chủ động được thì khó có thể làm tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.