Ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình chia sẻ với Báo GD&TĐ về những công việc cần làm của tỉnh.
Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất
- Thời gian chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị… thực hiện CTGDPT 2018 và thay SGK không còn nhiều. Ngành GD-ĐT Ninh Bình đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018.
Bên cạnh rà soát đội ngũ để xác định số lượng, chủng loại GV còn thiếu và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, Sở GD&ĐT Ninh Bình tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Cụ thể, sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan tổ chức tổng rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xác định nhu cầu đầu tư, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể và hàng năm thực hiện “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”; Chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện CTGDPT, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
- Việc chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai CTGDPT mới gặp những thách thức, thuận lợi gì?
- Quá trình chuẩn bị cơ sở vật chất, Ninh Bình có những thuận lợi riêng: Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai CTGDPT 2018 kịp thời, hiệu quả; Thường xuyên kiểm tra, tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp.
Về phía đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), GV, nhân viên (NV), ngành Giáo dục sớm tiếp cận với dự thảo CTGDPT qua các hội thảo để góp ý; Được tập huấn, bồi dưỡng về nội dung CTGDPT 2018. Hiệu trưởng các trường chủ động tham mưu UBND xã, phường, thị trấn, đề xuất giải pháp; Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả về triển khai CTGDPT 2018. Phụ huynh HS, cộng đồng xã hội hiểu và đồng thuận, tích cực ủng hộ nâng chất lượng cơ sở vật chất chuẩn bị triển khai CTGDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỉnh Ninh Bình có 54 xã, phường, thị trấn miền núi, vùng cao chiếm 37%, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nên cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học một số trường chưa bảo đảm.
Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến không có nhiều thời gian tập trung sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình.
Một số CBQL còn chậm trong công tác tham mưu; Chưa chủ động trong công tác huy động các nguồn lực xã hội cho việc tăng cường cơ sở vật chất cũng như linh hoạt trong việc sử dụng cơ sở vật chất...
- Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành GD-ĐT Ninh Bình ứng phó ra sao?
- Chúng tôi chỉ đạo các phòng GD&ĐT kiểm tra công tác phòng chống dịch, kết hợp nắm tình hình triển khai công tác chuẩn bị điều kiện thực hiện CTGDPT 2018; Đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ, bồi dưỡng qua mạng Internet.
Phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường tổ chức cho CBQL, GV, NV và cha mẹ HS nghiên cứu các bộ sách SGK bản mẫu, bản điện tử, các video tiết dạy mẫu; Trao đổi qua phương tiện điện tử để hoàn thành nội dung bồi dưỡng cũng như đánh giá các bản SGK lớp 1 mới.
Tháo gỡ khó khăn
- Theo ông, vấn đề ngành GD-ĐT Ninh Bình cần tháo gỡ cấp bách trước thềm triển khai CTGDPT 2018 là gì?
- Vấn đề cần giải quyết cấp bách trước khi triển khai CTGDPT 2018 tại Ninh Bình là cơ sở vật chất. Tuy nhiên công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV nâng cao chất lượng dạy học cũng quan trọng và cần được đẩy mạnh.
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng GV, CBQL thực hiện CTGDPT 2018 đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn phải tiếp tục phải tháo gỡ.
Cụ thể, nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thay đổi hình thức tổ chức tập huấn (qua mạng Internet), khi đó điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hình thức tập huấn này chưa đáp ứng tốt; Kĩ thuật sử dụng các thiết bị, phần mềm của một số giáo viên còn hạn chế.
SGK, tài liệu tập huấn dạy học theo SGK mới số lượng không nhiều. GV không được tập trung trao đổi chuyên môn do dịch bệnh nên gặp hạn chế về thông tin, kinh nghiệm.
- Xin cảm ơn ông!
Ninh Bình hiện có 155 trường MN; tiểu học có 153 trường; 136 trường THCS; 26 trường THPT; 8 cơ sở GDTX cấp THPT với hơn 246.700 học sinh. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88,8%. Ninh Bình được Bộ GD&ĐT đánh giá thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ GV và CBQL có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao.